Sáng 3/6, thảo luận cho ý kiến về kế hoạch giám sát của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề cập đến một lĩnh vực mà ông cho rằng, lâu nay ít được quan tâm là lĩnh vực báo chí. Luật Báo chí được ban hành đến nay đã 29 năm và đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 1999 và năm 2016.
Đại biểu đoàn Cà Mau này cho rằng, hoạt động báo chí về cơ bản đã phát huy mặt tích cực, góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hoạt động quản lý báo chí của các cơ quan chức năng cơ bản đã thực hiện tốt vai trò điều tiết, kiểm soát được hoạt động báo chí.
Tuy nhiên theo ông Lê Thanh Vân, trên thực tế vẫn còn những trường hợp, tình huống không thể không giám sát.
Thứ nhất, đó là quyền tác nghiệp của phóng viên. Ông đánh giá, nhìn chung các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và những người có trách nhiệm đã tôn trọng quyền tự do tác nghiệp của phóng viên. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít nơi, không ít cá nhân ngăn cản, né tránh sự điều trần của báo chí. Cá biệt có những nơi còn ngăn cản, hành hung phóng viên.
“Có hiện tượng lạm dụng báo chí để tuyên truyền lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Trong hoạt động quản lý báo chí có những trường hợp gỡ bài không có lý do, thậm chí báo chí đưa tin trung thực về kỳ họp Quốc hội, nhưng 1-2 tiếng sau tin bài bị gỡ. Không biết có vi phạm điều luật bị ngăn cấm trong Luật Báo chí không?”, đại biểu nêu vấn đề.
Từ phân tích trên, ông Lê Thanh Vân cho rằng, lĩnh vực này có thể Quốc hội không giám sát tối cao, nhưng Thường vụ Quốc hội cần thiết phải giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động báo chí; hoặc giao cho Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để làm rõ mặt được, chưa được và những mặt vi phạm để chỉnh đốn và tăng cường hoạt động báo chí trong thời gian tới.