ĐBQH chất vấn Bộ trưởng VHTT&DL việc vận động viên giải nghệ, nghệ sỹ gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chất vấn Bộ trưởng VHTT&DL, đại biểu Trần Quang Minh phản ánh thực trạng đa số các vận động viên băn khoăn với việc “sẽ làm gì sau giải nghệ”, vì thời gian thi đấu đỉnh cao tương đối ngắn.

Chiều 5/6, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng.

Nêu vấn đề, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) phản ánh thực trạng đa số các vận động viên băn khoăn với việc “sẽ làm gì sau giải nghệ”, vì thời gian thi đấu đỉnh cao tương đối ngắn.

Một số vận động viên có thể chuyển sang làm công tác huấn luyện, nhưng con số này tương đối ít. Chính vì tương lai hậu thi đấu, nhiều vận động viên bỏ đam mê thể thao.

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng VHTT&DL việc vận động viên giải nghệ, nghệ sỹ gặp khó ảnh 1

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình). Ảnh Như Ý

“Bộ trưởng cho biết những giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ, đặc biệt là vận động viên gặp chấn thương”, đại biểu Minh nêu câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, các chính sách về đào tạo, việc làm, tiền thưởng trong thi đấu đến nay đã được áp dụng trong toàn quốc.

Qua đó, đã góp phần động viên đội ngũ thể thao thành tích cao đạt được những thành tích đáng phấn khởi.

Tuy nhiên, ông cũng đồng tình với chia sẻ của đại biểu, làm sao để giải quyết được việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên sau khi thi đấu đỉnh cao thì vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo ông, các khó khăn nổi lên là do trình độ đào tạo và nghề nghiệp của họ chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian thi đấu đỉnh cao. Mặt khác, nghề nghiệp đó cũng chưa hẳn thích hợp với từng vận động viên.

“Chính vì vậy, về mặt lâu dài, chúng ta cũng biết là không phải tất cả các vận động viên đều trở về cơ quan, đều làm công tác huấn luyện. Do vậy, cũng phải thay đổi cách tiếp cận giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau”, ông Hùng nói.

Theo ông, Bộ VHTT&DL đang đề xuất với Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành tập trung đánh giá tác động chính sách vừa qua. Sau đó đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên có thể tập trung, yên tâm thi đấu, phát triển ngành nghề theo đúng nguyện vọng, sở trường của mình.

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng VHTT&DL việc vận động viên giải nghệ, nghệ sỹ gặp khó ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Như Ý

Trong khi đó, đại biểu Trần Quốc Quân (đoàn Long An) quan tâm đến các loại hình biểu diễn nghệ thuật dân gian, truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Việc triển khai các chính sách bảo tồn nghệ thuật truyền thống còn khó khăn.

Đại biểu chất vấn bộ trưởng về giải pháp phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc lưu giữ, phát triển nghệ thuật truyền thống.

Tuy nhiên, theo ông, việc giải quyết câu chuyện này không đơn giản khi chúng tôi đang phải tinh gọn bộ máy.

Bộ trưởng nói, ở địa phương, nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ đóng cửa.

Còn tại Trung ương, các đoàn nghệ thuật cũng khó khăn khi phải tự chủ một phần hoặc toàn phần. Với các bộ môn tuồng, chèo, hay cải lương thì gặp khó trong tuyển dụng.

Theo ông, cần đào tạo diễn viên các loại hình nghệ thuật truyền thống theo năng khiếu, phát triển các loại hình du lịch theo hướng nghệ thuật đỉnh cao và có chính sách tài chính phù hợp cho các đoàn nghệ thuật truyền thống.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần khuyến khích phát triển bằng cách có chính sách cho nghệ nhân - những người giữ hồn, giữ lửa nghệ thuật truyền thống. Cùng với đó, các địa phương nên tập trung kết nối sản phẩm nghệ thuật truyền thống và du lịch để tạo hiệu ứng lan tỏa.

MỚI - NÓNG