Dạy và học văn qua trải nghiệm sáng tạo

Học sinh đang nghe các nghệ nhân Huế chia sẻ về món ăn cung đình.
Học sinh đang nghe các nghệ nhân Huế chia sẻ về món ăn cung đình.
TP - Đưa học sinh đi thực tế để các em hiểu được văn hóa, con người, đời sống xã hội của Hà Nội giai đoạn 1930-1945 được phản ánh qua văn học. Đưa học sinh đến Huế để cảm nhận cái đẹp trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử... Đó là một trong những mục tiêu mà dự án Việt Nam - hành trình kết nối được các thầy cô trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) thực hiện cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 11.

Cô Nguyễn Thị Minh Thủy, tổ trưởng môn Ngữ văn của trường phổ thông liên cấp Olympia cho biết dự án tập trung cho khối 11 với hai địa điểm thực tế là Hà Nội và cố đô Huế. Trong đó, chuyến đi Huế của 51 học sinh lớp 11 cùng với 6 thầy cô và một số phụ huynh vừa kết thúc đầu tháng 11 vừa qua. Tại Hà Nội,  học sinh học tập trung vào chùm tác phẩm văn xuôi giai đoạn 30-45. Giai đoạn này, văn học Việt Nam có các tác phẩm nói về đời sống xã hội, đời sống văn hóa của con người Hà Nội.

Vẫn còn những hồn cốt tinh túy của dân tộc như trong các tác phẩm của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng nhưng cũng đã bắt đầu có những ảnh hưởng của “mưa Âu gió Mỹ”, có sự xâm lấn văn hóa của phương Tây như tác phẩm của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng. Từ các tác phẩm đó, học sinh đi ra thực tế, khai thác dữ liệu trong cuộc sống như tìm hiểu các di tích lịch sử, phỏng vấn nhân vật, phỏng vấn du khách hay có những thước phim về cuộc sống của người Hà Nội. Sau chuyến thực tế, các học sinh đều có sản phẩm viết về con người Hà Nội.

Hay như có những bạn tập trung vào góc tối của Hà Nội những năm 30 – 45.  Có những bạn lại làm về dòng chảy hiện tại của Hà Nội. 12 mùa hoa của Hà Nội là một sản phẩm như thế.  Học sinh đi theo lịch trình một năm theo tính thời vụ từng tháng bắt  nguồn cảm xúc từ bài hát Hà Nội 12 mùa hoa. Các em đã có những lời bình, những thước phim quay rất cận cảnh.

“Những thước phim này của học sinh thật sự xúc động và đáng trân trọng. Theo đánh giá của tôi, sản phẩm có thể còn những gồ ghề về âm thanh, hình ảnh nhưng có thể thấy cảm xúc dâng trào. Sản phẩm có những đối sánh để  bày tỏ quan điểm cá nhân, để có thể chỉ một năm nữa thôi có nhiều em sẽ  đi du học, các em sẽ mang trong mình bản sắc của người Hà Nội, Việt Nam ra nước ngoài để khẳng định vị thế của mình” – cô Thủy nhấn mạnh.

Chặng thứ hai mà học sinh lớp 11 của trường phổ thông liên cấp Olympia  hướng tới đó chính là cố đô Huế. Chuyến đi kéo dài 4 ngày nhưng đã có học sinh cảm nhận được phần nào văn hóa ẩm thực, văn hóa truyền thống, nét đẹp cổ kính của cố đô. “Đến Huế để  tìm về chốn xưa của Hàn Mặc Tử và cùng suy ngẫm câu chuyện “bản ngã dân tộc” trước các di tích Khải Định của cố đô, để  hiểu được cái đẹp của Huế, cái dùng dằng của sông Hương. Nhưng đồng thời cũng thấy được vai trò của dòng sông này đối với đời sống văn hóa tinh thần của người cố đô. Còn với bộ môn tiếng Anh, các em có thể thiết kế được tour du lịch  văn hóa, ẩm thực Huế bằng tiếng Anh” – cô Thủy cho hay.

Dự án Việt Nam – hành trình kết nối không chỉ hướng đến các môn học mà quan trọng nữa thầy và trò còn hướng tới cộng đồng. Học sinh thực sự được cầm cuốc trồng cây, cầm chổi sơn tường. Bạn Đỗ Minh Châu, học sinh lớp 11H còn cho biết lần đầu tiên em biết thế nào là lũ miền Trung vì chuyến đi vào đúng dịp Huế gặp lũ.

Để trải nghiệm không là du lịch trá hình

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo chính thức được coi là một hoạt động bắt buộc đối với chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, từ mấy năm nay, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường từ tiểu học đến THPT đưa hoạt động này vào giảng dạy. Nhưng hiệu quả của nó thực sự đang là điều đáng bàn. Vì hiện nay, mới chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ các trường thực hiện.

Một số chuyên gia cho rằng ở một số trường, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được xem như du lịch trá hình. Nhà trường tổ chức đưa học sinh đi đến một khu sinh thái, khu di tích nào đó nhìn ngắm, hoạt động vài trò tập thể rồi đưa về. Một giáo viên của Hà Nội cũng thừa nhận  nhiều người cho rằng trải nghiệm sáng tạo là đưa học sinh ra ngoài phạm vi trường như đi tham quan, du lịch. Đó là suy nghĩ chưa đúng.

Trên thực tế, nhiều trường không chỉ cho học sinh đi tham quan, du lịch mà còn đưa học sinh đến các di tích văn hóa để “học cùng di sản”. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở việc tham quan, du lịch mà chưa phải “trải nghiệm sáng tạo” - phải có chương trình riêng, đặt ra mục tiêu, các nhiệm vụ mà học sinh cần đạt, có đánh giá theo thang điểm được giáo viên xây dựng...

Từ thực tế khi thực hiện dự án Việt Nam – hành trình kết nối, cô Nguyễn Thị Minh Thủy cho rằng khó nhất của người giáo viên khi xây dựng chương trình tích hợp liên môn, trải nghiệm sáng tạo đó là xây dựng được nội dung, học sinh đi là thực học nên phải lồng ghép được các nội dung trong đó. Muốn thế, giáo viên phải đầu tư công sức, có nhiều kênh tham khảo, đồng thời phải có sự chuẩn bị chu đáo để đảm bảo an toàn cho học sinh từ đi lại đến ăn uống, ngủ nghỉ.

Trong chương trình mới, Bộ GD&ĐT quy định rất rõ về hoạt động trải nghiệm sáng tạo này. Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thiết kế theo nguyên tắc tích hợp. Các chủ đề được xây dựng mang tính mở.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.