Nhà khoa học, nhà văn Annie Murphy Paul khẳng định, từ khi còn là bào thai, đứa trẻ đã nhận biết được giọng nói của người mẹ. Các âm thanh từ thế giới bên ngoài mà mẹ tiếp xúc sẽ đi qua lớp màng bụng dưới và bọc nước ối, từ tháng thứ tư trở đi bào thai mới có thể nhận thức được những âm thanh này. Cho đến khi em bé chào đời, nó sẽ nhận ra ngay giọng nói của mẹ và luôn muốn nghe mẹ nói hơn là những người khác.
Ảnh: News.
Trẻ sơ sinh hầu như chưa thể làm được điều gì, ngoại trừ khả năng bú rất giỏi. Các nhà nghiên cứu đã tận dụng đặc điểm này mà thử nghiệm bằng cách lắp đặt 2 núm vú cao su và cho các em bé bú lần lượt. Khi bú một núm vú đầu tiên, trẻ sẽ được cho nghe giọng nói của mẹ mình trong tai nghe. Đến núm thứ hai, bé sẽ nghe giọng của một người phụ nữ khác. Kết quả ghi nhận, hầu hết trẻ chọn bú núm vú đầu tiên, điều đó chứng tỏ chúng thích giọng nói của mẹ mình hơn.
Một thử nghiệm khác còn ghi nhận: Khi các thai phụ đọc đi đọc lại một đoạn của tác phẩm "Con mèo trong cái nón" (của Giáo sư Seuss) thì những đứa bé khi chào đời nhận ra đoạn văn đó nhanh hơn. Tương tự, phụ nữ đang mang thai xem một bộ phim truyền hình dài tập nào đó thì trẻ khi sinh ra cũng thấy "quen" với nhạc nền của bộ phim đó hơn.
Nghiên cứu còn cho thấy bào thai nhận biết được ngôn ngữ trong môi trường chúng sống. Bằng chứng là từ khi sinh ra, trẻ đã khóc theo ngữ giọng đặc trưng tiếng mẹ đẻ: Trẻ em Pháp khóc giọng cao trong khi trẻ em Đức kết thúc bằng nốt trầm, bắt chước đúng theo tông điệu của những ngôn ngữ bản địa.
Các nhà khoa học lý giải rằng khả năng nhận thức ngay từ giai đoạn bào thai là cách giúp con người tồn tại và thích nghi. Ngay từ thời điểm được sinh ra, trẻ có thể đáp lại giọng nói của người chăm sóc chúng nhiều nhất, đó là người mẹ. Thậm chí cả khi khóc, tiếng khóc cũng giống như tiếng nói của mẹ, chính đặc điểm này càng giúp thắt chặt tình mẫu tử hơn. Đây cũng là lực đẩy giúp bé học, hiểu và nói tiếng mẹ đẻ nhanh hơn.
Thực tế hiện nay nhiều bà bầu chỉ chú ý cho thai nhi nghe nhạc Mozart thông qua headphone đặt trên bụng mà không để ý đến những gì tiếp xúc hàng ngày: Bầu không khí, đồ ăn thức uống, các loại dược phẩm, thậm chí cả cảm xúc của người mẹ đều ảnh hưởng đến đứa bé. Bào thai tiếp nhận những đặc tính này và biến chúng thành một phần của cơ thể mình. Không chỉ thế, bào thai còn tiếp nhận những đặc trưng của mẹ như một nguồn thông tin đến từ thế giới bên ngoài, từ đó chúng sẽ hình thành phản ứng để thích nghi.
Âm thanh không phải là điều duy nhất mà bào thai nhận biết được khi còn trong bụng mẹ mà còn có cả khứu giác và vị giác. Trong 7 tháng đầu tiên, các chồi vị giác của bào thai đã phát triển, các thụ quan khứu giác giúp tiếp nhận và phân biệt mùi vị cũng bắt đầu hoạt động. Mùi vị thức ăn mà người mẹ hấp thụ sẽ truyền qua lớp nước ối đến bào thai. Trẻ nhỏ thường nhớ và có xu hướng thích những mùi vị này khi chúng lớn lên.
Trong cuộc thăm dò khác, một nhóm thai phụ được yêu cầu uống nhiều nước ép cà rốt trong 3 tháng cuối của thai kỳ, còn nhóm khác chỉ uống nước lọc. Nửa năm sau khi họ sinh, người ta cho những đứa trẻ này uống hỗn hợp nước ép cà rốt và ngũ cốc, đồng thời ghi nhận lại nét mặt và biểu cảm của chúng khi uống. Kết quả ghi nhận những đứa trẻ con của thai phụ đã uống nước ép cà rốt trước đó thì uống hỗn hợp này với vẻ thích thú. Ở nhóm chỉ uống nước lọc, con của họ nhăn nhó khi phải uống hỗn hợp này và hầu như không muốn uống.
Một thí nghiệm khác của Pháp cũng chỉ ra rằng những người mẹ hấp thụ thức ăn có vị cam thảo và hoa hồi trong quá trình mang thai thì đứa bé ra đời cũng ưa thích vị hoa hồi. Còn những bà mẹ không ăn hoa hồi trong quá trình mang thai vì thấy "ghê quá", nghĩa là họ đã dạy cho bào thai nhận biết những món ăn nào ngon và an toàn cho chúng. Những đứa trẻ này khi ra đời tỏ vẻ không thích và nhăn nhó khi ngửi thấy mùi hoa hồi.
Các nhà khoa học giải thích rằng, từ khi còn trong bào thai, đứa trẻ tìm đủ mọi cách để học về nền văn hóa đặc trưng mà chúng sắp trở thành một thành viên. Một trong những cách học biết đơn giản nhất là thông qua thức ăn. Từ đó trẻ sẽ hình thành nên những đặc trưng của cơ thể để thích nghi với thế giới bên ngoài khi chúng được sinh ra.
Thụy Ân