'Dậy sóng' giáo dục Ðất Mũi: Tiến thoái lưỡng nan

Học sinh vùng sông nước đi học có cha mẹ theo cùng.
Học sinh vùng sông nước đi học có cha mẹ theo cùng.
TP - Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về biên chế lớp học, khối Mầm non sẽ bổ sung biên chế sau khi sắp xếp. Khối Tiểu học lấy bình quân 33 học sinh/lớp (không quá 35 học sinh/lớp). Khối THCS và THPT lấy bình quân 42 học sinh/lớp (không quá 45 học sinh/lớp). Riêng các trường chuyên biệt tạm thời giữ nguyên biên chế cũ.

Với sĩ số bình quân nói trên, nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, việc phòng học xây dựng qui cách nhỏ, không đủ diện tích bình quân tối thiểu theo tiêu chuẩn và khó khăn trong việc triển khai đổi mới phương pháp giáo dục.

 Xung đột diện tích phòng và sĩ số

Thực tế, qui cách phòng học tại Cà Mau phổ biến 48 m2 (6m x 8 m) vì kinh phí không đủ để xây phòng học theo chuẩn qui định. (Quy định chuẩn là học sinh trung học cơ sở là 1,85m2/ học sinh; THPT là 2m2/ học sinh).Bởi vậy, ông bà thường nói “cái khó bó cái khôn” là vậy. Thầy giáo Nguyễn Văn Thử, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Bình nói: “Với qui cách phòng học hiện nay, chỉ đảm bảo đủ cho 32 học sinh/lớp/phòng học”.

Khảo sát thực tế, phòng học các đơn vị trường học tại địa bàn huyện Trần Văn Thời, Năm Căn, Thới Bình, U Minh và thành phố Cà Mau chỉ có thể đáp ứng đủ chỗ học cho từ 30-35 học sinh/lớp. Thống kê năm học vừa qua, Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết, sĩ số học sinh bình quân toàn tỉnh 25 học sinh/lớp đối với cấp Tiểu học, 36 học sinh/lớp cấp THCS và 37 học sinh/lớp cấp THPT.

Trường tiểu học xã Tân Dân (Đầm Dơi) (điểm trường trung tâm) có 9 lớp, sĩ số bình quân 35,4 học sinh/lớp. Riêng 2 điểm lẻ của Trường tiểu học Tân Dân, cách xa từ 5-8 km là điểm trường ấp Tân Thành, có sĩ số 21 học sinh/lớp. Điểm trường ấp Nam Chánh 22 học sinh/lớp.

Thầy giáo Trà Thanh Trí, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Dân nói: “Điểm trường trung tâm có sĩ số đảm bảo qui định của ngành giáo dục, nhưng không thể tăng sĩ số điểm trường lẻ vì không đủ học sinh và nếu dồn về điểm trung tâm thì quá xa, không có đất để xây thêm phòng học”.

Tại thành phố Cà Mau, các trường chuyên biệt có sĩ số thấp, khoảng 30-35 học sinh/lớp như Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, Trường dân tộc nội trú. Tất cả các trường THPT trên địa bàn thành phố, trung tâm các huyện đều có sĩ số tương đối cao.

Trường THPT Cà Mau có qui mô học sinh lớn nhất, luôn luôn đối mặt với lượng học sinh tăng hàng năm, không thể giảm sĩ số học sinh trong quá trình tổ chức giảng dạy. Thầy giáo Lê Minh Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Cà Mau cho biết: “Những năm học qua, sĩ số bình quân của toàn trường đã đạt sĩ số tối đa theo qui định của UBND tỉnh, hiện tại sĩ số 41,65 học sinh/lớp”.

Khó triển khai đổi mới

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau về sắp xếp trường lớp, xóa điểm lẻ, áp biên chế bình quân đối với học sinh, Sở GD&ĐT Cà Mau báo cáo: Những tháng chuẩn bị năm học mới (2018-2019), sắp xếp hệ thống trường lớp, xóa điểm trường lẻ, áp biên chế học sinh đã giảm 691 lớp, tương ứng giảm 1.145 giáo viên so với năm học trước (2017- 2018).

Kết quả trên chỉ mới thực hiện trong quá trình chuẩn bị năm học mới, nhưng trong thực thế nó đẩy khó khăn cho các đơn vị trường học. Việc sắp xếp, bố trí tối thiểu 42 học sinh/lớp, số trường có phòng học nhỏ, phải kê thêm bàn thành 6 dãy, học sinh phải kê sát với bục giảng, ảnh hưởng đến thị lực học sinh.

'Dậy sóng' giáo dục Ðất Mũi: Tiến thoái lưỡng nan ảnh 1

Trẻ em đến trường.

Thầy giáo Lê Minh Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Cà Mau nỗi niềm: “Với sĩ số bình quân đạt ngưỡng tối đa như thế này thì rất khó hướng tới đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục làm trở ngại rất lớn”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thử, Hiệu trường Trường THPT Thới Bình chia sẻ: “Gần như toàn bộ phòng học hiện nay, rộng chưa tới 48m2. Theo qui chuẩn, mỗi học sinh có diện tích 2m2 thì phòng học trên địa bàn Cà Mau có thể đáp ứng 32 học sinh/lớp.Việc áp biên chế 42 học sinh/lớp đối với bậc THPT là không thực tế và phản khoa học”.

Trường THPT Thới Bình vừa tuyển sinh xong, được 1.266 học sinh, tăng sĩ số lớp nên giảm còn 30 lớp và dư thừa 5 giáo viên phải chuyển đi nơi thiếu. “Khi vào năm học, học sinh có quyền đăng ký học phân ban, sẽ có lớp thấp hơn qui định và cũng sẽ có lớp quá đông cần phải tách. Khi tổ chức giảng dạy, vô số khó khăn, chưa biết giải quyết thế nào”- thầy giáo Nguyễn Văn Thử bức xúc.

Còn thầy Võ Thanh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Quách Văn Phẩm (Đầm Dơi) nói: “Thật sự hiện nay, tôi có cảm giác đang ngồi trên đống lửa khi nghĩ đến năm học mới đang đến rất gần. Trong khi đó, nhà trường đã tuyển sinh xong, biên chế lớp theo qui định nhưng thiếu giáo viên trầm trọng thì tổ chức giảng dạy như thế nào?”.

Nói về sĩ số học sinh bậc THPT tối thiểu 42 học sinh/lớp, thầy giáo Võ Mạnh Hùng bày tỏ: “Với sĩ số học sinh như vậy, trong một tiết dạy, giáo viên không thể tương tác với học sinh, đừng nói gì đến đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thử, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Bình cho biết: Chúng tôi phải thực hiện theo sự lãnh đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhưng cần xem xét lại xu hướng giáo dục hiện đại, giảm sĩ số học sinh là bước đột phá nâng cao chất lượng giáo dục. Đổi mới phương pháp giáo dục không thể dồn học sinh vào phòng chật hẹp đã tồn tại trong thực tế mấy chục năm qua”. 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: “Nguồn ngân sách được phân bổ cho giáo dục, tỉnh Cà Mau giữ nguyên và phải bổ sung thêm 210 tỷ đồng mỗi năm, chi trả cho con người gần hết, không còn đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục đạt chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia”.
Kết quả rà soát, sắp xếp năm học 2018-2019, Cà Mau còn 121 trường mầm non, sĩ số bình quân 29 học sinh/lớp, 250 trường tiểu học, sĩ số 28,41 học sinh/ lớp, 119 trường THCS, sĩ số bình quân 39,8 học sinh/lớp, 33 Trường THPT có sĩ số bình quân 43,17 học sinh/lớp (trong đó, trường chuyên biệt 35,7 học sinh/lớp). 
MỚI - NÓNG