Dạy học trực tuyến tại TPHCM: Phụ huynh làm người liên lạc giữa con và cô giáo

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh TPHCM học trực tuyến năm học 2021- 2022
Học sinh TPHCM học trực tuyến năm học 2021- 2022
TPO - Với trên 72 nghìn học sinh thiếu điều kiện học trực tuyến và trên 700.000 tài khoản là học sinh trung học và thầy cô giáo ở TPHCM cùng truy cập khiến hệ thống học trực tuyến nhiều khi bị tắc nghẽn khiến việc dạy và học gặp nhiều trở ngại.

Học sinh "bối rối"

Vì không có thiết bị, bố mẹ lại đi làm suốt ngày nên từ ngày khai giảng đến nay em Nguyễn Minh Thịnh, lớp 7 TC8, trường THCS Nguyễn Hữu Thọ vẫn chưa thể tham gia học trực tuyến. Cô Nguyễn Thị Thùy Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 7 TC8 cho biết, nhà trường đã phương án gửi bài học hằng ngày cho Thịnh. Theo cô Trang, bố Thịnh đang thực hiện “3 tại chỗ” ở công ty nên không thể về nhà còn mẹ thì làm việc ở siêu thị nên sáng đi tối mới về dẫn đến việc Thịnh không có thiết bị để học trực tuyến.

“Kết thúc các môn học, em sẽ tập hợp tài liệu từ các giáo viên khác rồi in thành bài học và chuyển đến cho mẹ của Thịnh để mang về nhà. Học xong, nếu có câu hỏi thắc mắc, Thịnh sẽ gửi ở phụ huynh để chuyển lại cho giáo viên”, cô Trang kể và cho biết, may mắn là mẹ của Thịnh làm việc ở siêu thị gần trường chứ không cũng “đuối”.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho biết hệ thống học online liên tục gặp trục trặc. Ngay buổi học đầu tiên thầy đã phải mất hơn 10 phút thì mới kết nối được với học sinh trong lớp, còn khi học sinh đang học thì có vài em đã bị tự động bị bật ra ngoài nên ảnh hưởng tinh thần, không khí của lớp học. Theo thầy Anh, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng buổi học.

Nhiều giáo viên cho rằng, nếu có thiết bị mà không có mạng internet thì cũng như không hoặc có thiết bị nhưng cấu hình không đủ mạnh để chạy thì cũng rất khó trong học tập.

Dạy học trực tuyến tại TPHCM: Phụ huynh làm người liên lạc giữa con và cô giáo ảnh 1

Hai giáo viên, nhân viên của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nhận nhiệm vụ giao SGK đến học sinh ngày 9/9

Huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ học sinh

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở đã đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông xem xét để bổ sung thêm 2 servers với cấu hình mạnh; điều chỉnh, nâng cấp 1 servers trước ngày 15/9 để kịp thời trển khai các giải pháp dạy học trực tuyến trong giai đoạn cấp bách triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã làm việc với ĐHQG TPHCM- đơn vị phối hợp với Sở triển khai phần mềm LMS để nâng cấp hệ thống, mở rộng băng thông đường truyền. Hiện phần mềm LMS cơ bản đã được khắc phục. Riêng về phần mềm K12 online, do máy chủ Viettel quản lý, Sở đã làm việc với Viettel để phối hợp, có giải pháp kỹ thuật cải thiện sự cố sớm nhất.

Về việc hơn 72.000 học sinh thiếu điều kiện học trực tuyến, ông Nguyễn Văn Hiếu- Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết Sở đã đề xuất với UBND TP thành lập ban chỉ đạo tổ chức vận động, tiếp nhận nguồn tài trợ xã hội. Trong đó, 15.000 máy được kêu gọi từ doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân. Sở sẽ vận động công ty dịch vụ viễn thông tài trợ hoặc cung cấp gói cước rẻ cho học sinh.

Ngoài ra, khoảng 40.000 thiết bị cũ được kêu gọi từ phụ huynh và mạnh thường quân, trường đại học góp. Trường học sẽ tiếp nhận, sửa chữa và cài đặt phần mềm phù hợp cho học sinh. Khoảng 30.000 thiết bị còn lại được kêu gọi từ các gói vay ưu đãi, mua trả góp của ngân hàng, các siêu thị điện máy giúp phụ huynh. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo sở này chưa cho biết đến khi nào học sinh mới nhận được những thiết bị kể trên để kịp thời học trực tuyến.

Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 cho biết, “Trước mắt, với những em thiếu điện thoại, máy tính học tập, các trường thành lập các đội hình tình nguyện sẽ mang tài liệu, bài tập đến tận nhà cho học sinh. Về lâu dài, sẽ tài trợ thiết bị học tập cho các em thông qua chương trình kêu gọi được”, ông Dân cho hay.

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú cũng cho biết, phòng đã giao cho các trường chủ động khảo sát và lập phương án hỗ trợ với học sinh của mình khi không đủ điều kiện học trực tuyến. Cũng theo ông Khiêm, vai trò của phụ huynh trong lúc này là rất quan trọng, phụ huynh phải đồng hành cùng nhà trường, giáo viên để chỉ dẫn các con. Sau khi dịch được kiểm soát, các trường sẽ có kế hoạch bồi dưỡng cho các em học sinh phù hợp với thực tế.

“Phòng GD&ĐT cũng đã họp với các hiệu trưởng và đề nghị triển khai việc mời các phụ huynh có chuyên môn phù hợp cùng tham gia giảng dạy trực tuyến với giáo viên nhằm giúp học sinh đỡ nhàm chán, căng thẳng và khô khăn khi phải học lý thuyết.”, ông Khiêm nói.

Khảo sát nhanh của Bộ GD&ĐT cho thấy, việc tổ chức dạy học trực tuyến gặp nhiều khó khăn, nhất là với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, nhiều giáo viên thiết kế bài giảng trực tuyến nhưng vẫn theo cách làm cũ, chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là chỉ dạy nội dung cốt lõi, tinh gọn. Tiết học kéo dài làm ảnh hưởng tâm lý và sự tập trung học tập của học sinh. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên. (Hà Linh)

Báo Tiền Phong phát động chương trình 'Máy tính cho em'

Ngày 9/9, hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới Chương trình "Cùng em học trực tuyến" do T.Ư Đoàn phát động tới đây, nhằm góp phần giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn có đủ máy tính cấu hình tối thiểu để phục vụ học tập trực tuyến, Báo Tiền Phong kêu gọi các tổ chức, bạn đọc hảo tâm góp máy tính xách tay, máy tính bảng (máy mới hoặc máy cũ, còn sử dụng tốt) để chuyển đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Ban Biên tập Báo Tiền Phong trân trọng cảm ơn bạn đọc hảo tâm; đồng thời sẽ tổ chức tiếp nhận, bảo quản và chuyển máy tính ủng hộ đến đúng các địa chỉ học sinh khó khăn!

Địa chỉ tiếp nhận máy tính

-Trụ sở Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội, Điện thoại: 0977456112.

-Các văn phòng, ban đại diện Báo Tiền Phong:

+Ban đại diện tại TP HCM, 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, Quận 3, Điện thoại: 0913878567.

+Ban Đại diện tại Miền Trung, 19 Ngô Gia Tự, Đà Nẵng, Điện thoại: 0905203456

+Ban Đại diện tại Nghệ An, 21 Hồ Xuân Hương, TP Vinh, Nghệ An. Điện thoại: 0943909979

+Ban Đại diện tại Đồng bằng sông Cửu Long, số 41 Cách mạng Tháng 8, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ. ĐT: 0939290582

+Ban đại diện tại Tây Nguyên, 52 Trần Nhật Duật, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Điện thoại: 0904150538

+Văn phòng đại diện tại Bắc Giang, toà nhà các đơn vị sự nghiệp tỉnh Bắc Giang, đường Quách Nhẫn, TP Bắc Giang. Điện thoại: 0988104913

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.