Lễ khai giảng chưa từng có

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Hà Nội dự lễ khai giảng đặc biệt qua tivi
Học sinh Hà Nội dự lễ khai giảng đặc biệt qua tivi
TP - Ngày 5/9, hàng triệu học sinh trên cả nước không thể đến trường dự lễ khai giảng năm học mới mà chỉ được nghe tiếng trống khai trường qua sóng truyền hình hay máy tính. Đây là lễ khai giảng lịch sử đối với ngành giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Năm nay cũng là năm học đặc biệt khi toàn quốc không cùng lúc có được ngày khai giảng trọn vẹn. Nếu như những năm trước, ngày 5/9 là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường thì đến hôm qua mới chỉ có hơn 40 địa phương tổ chức lễ khai giảng trực tuyến và trực tiếp, gần 20 địa phương phải lùi ngày học sinh tựu trường để phòng chống dịch COVID-19. Các địa phương tổ chức lễ khai giảng trực tiếp như Bắc Kạn, Hoà Bình, Điện Biên, Yên Bái… siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Coi đây là cơ hội

Có con năm nay vào lớp 1, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận Thanh Xuân, Hà Nội), anh Phan Hậu tự tay treo cờ Tổ quốc, viết lời chào mừng năm học mới lên bảng để tạo không khí vui tươi, háo hức cho con. Nhiều phụ huynh chia sẻ, đêm trước khai giảng, đã cùng con tô màu, dán cờ, làm hoa… để có lễ khai giảng thật khí thế bù đắp cảm giác hụt hẫng cho con khi không được tới trường.

Em Nguyễn Mỹ Hạnh, học sinh lớp 9H, Trường THCS Trưng Vương đại diện cho hơn 2,1 triệu học sinh thủ đô Hà Nội dự lễ khai giảng trực tiếp, phát biểu: “Trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay, các bạn học sinh hãy coi đây là cơ hội để được trải nghiệm và phát triển kỹ năng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực tự học, rèn luyện cho mình tính tự giác, kiên trì, sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta được ở bên gia đình nhiều hơn, được yêu thương, chia sẻ nhiều hơn”.

Diễn tả tâm trạng của mình trong lễ khai giảng vắng bóng học sinh ở sân trường, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, viết: “Khoảng trống rộng sân trường/Khoảng trống dài hành lang/Khoảng trống vuông lớp học/Mênh mang cùng thời gian”. Thầy trò Trường Marie Curie đã dành 1 phút mặc niệm những người không may qua đời trong đại dịch COVID-19. Đồng thời, nhắc nhở học sinh ghi nhớ công lao của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, bộ đội, công an…, những người ngày đêm đã và đang đối diện nguy hiểm của dịch bệnh. Thầy Khang cũng kêu gọi học sinh chung tay thực hiện Dự án “Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc” để góp phần vào sự nghiệp trồng người và trồng rừng.

“Tôi hiểu, với người làm thầy, làm cô và với các em học sinh, sinh viên, việc không thể đến lớp vào mùa tựu trường là cả một sự trống trải đi liền với nỗi buồn sâu sắc. Chúng ta tự hào vì có những bác sĩ đồng thời cũng là giáo viên, những em sinh viên, nhất là sinh viên ngành Y, đang ngày đêm miệt mài ở tuyến đầu chống dịch… Hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành Giáo dục vì tương lai của đất nước, vì tương lai con em chúng ta”.

(Trích thư Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thầy trò cả nước dịp khai giảng 2021-2022)

Cô Nguyễn Thuý Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Từ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho rằng, khoảnh khắc học sinh mặc đồng phục đứng chào cờ trước tivi trong lễ khai giảng năm học này sẽ đi vào lịch sử. Dù không được đến trường nhưng giáo viên thông báo, động viên 100% phụ huynh và học sinh cùng tham gia lễ khai giảng của thành phố qua tivi từ 7h30 sáng 5/9. Sau lễ khai giảng chung, học sinh dự lễ khai giảng qua ứng dụng Zoom, nghe lời động viên của hiệu trưởng.

Hôm qua, hình ảnh cô Văn Thuỳ Dương, Hiệu phó Trường THCS - THTP Lương Thế Vinh (Hà Nội), một mình phát biểu tại lễ khai giảng trên sân trường không một bóng học sinh, chỉ có hàng cây, ghế đá và những cánh cửa lặng im khiến nhiều người ấn tượng. “Học sinh chưa thể tới trường nhưng chúng tôi vẫn tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai. Nhớ về những khai giảng đã qua, để biết phấn đấu học tập và giữ gìn sức khoẻ”, cô nói.

Tặng, cho mượn máy tính

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết, những lần trước nghỉ dịch có thể xác định được 1-2 tuần học sinh quay lại trường học, nhưng lần này việc dự đoán rất khó khăn. Học sinh, giáo viên phải xác định học trực tuyến là phương thức lâu dài, do đó bắt buộc phải triển khai ở tất cả các khối lớp. Cách đây 1 tuần, Phòng GD&ĐT đã yêu cầu các trường rà soát xem học sinh nào thiếu thiết bị học tập để có phương án hỗ trợ. Kết quả, trường nào cũng có học sinh không có thiết bị học tập, từ 4-5 đến hơn chục em tùy trường. Các trường đã quyên góp mua máy tính, iPad đã qua sử dụng để tặng học sinh; cũng có nơi dùng máy tính trường học chưa sử dụng cho các em mượn tạm.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết, song song việc tập huấn, nâng cao kỹ năng sử dụng phần mềm để dạy học, các trường đã rà soát, hỗ trợ học sinh gặp khó khăn, thiếu thiết bị học tập. Ngay sau lễ khai giảng, Trường THCS Giảng Võ tặng học sinh huyện Ba Vì 10 bộ máy tính. Phòng GD&ĐT tiếp tục kêu gọi cá nhân, tổ chức ủng hộ máy tính cho học sinh vùng khó.

Ở nhiều địa phương buộc phải dạy học trực tuyến, các trường cũng đã thành lập các quỹ như ATM máy tính, Máy tính cho em, Điện thoại 0 đồng... để quyên góp máy tính, điện thoại cho học sinh có phương tiện học tập.

Trước khi năm học mới bắt đầu, ngành giáo dục TPHCM khảo sát hơn 1,3 triệu học sinh về điều kiện học trực tuyến. Kết quả, khoảng 75.000 học sinh các cấp học, bậc học (chiếm khoảng 4% tổng số học sinh của thành phố) không có điều kiện để học trực tuyến do thiếu trang thiết bị. Cụ thể, 31.000 học sinh tiểu học, 22.000 học sinh THCS, 15.000 học sinh THPT… đang cần được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến.

Sở GD&ĐT TPHCM cho biết đã đưa dữ liệu học trực tuyến, video ghi hình bài giảng lên các trang web của các phòng giáo dục quận, huyện. Sở cũng làm việc với các nhà cung cấp thiết bị điện tử về bán giảm giá, trả góp không lãi suất, tặng gói dữ liệu 3G cho những hoàn cảnh khó khăn…

MỚI - NÓNG