Vàng miếng hiệu SBJ của Công ty Vàng bạc Đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, cùng thời điểm, trao đổi với giá: 47,06– 47,34 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 30.000 đồng/lượng trên giá mua nhưng lại tăng 120.000 đồng/lượng trên giá bán.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, vàng SJC mở cửa mua vào 47,05 triệu đồng/lượng, bán ra 47,35 triệu đồng/lượng, không đổi trên giá mua nhưng lại tăng 100.000 đồng/lượng trên giá bán.
Nối tiếp đà tăng từ cuối tuần trước, giá vàng thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần mới tại châu Á tiếp tục tăng mạnh. Theo biểu đồ Kitco (Canada), mở cửa sáng nay (19-9) giá vàng giao ngay có lúc tăng lên mức 1.828USD/Oz (tăng hơn 14USD so với giá đóng cửa ngày 16-9).
Trong nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố đạt 20.628. Tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại là 20.830 – 20.834 (mua vào – bán ra). |
Cuối tuần trước, nhiều nhà đầu tư quốc tế và một số quỹ lớn đã tăng cường gom mua vàng, góp phần hỗ trợ kim loại quý tăng mạnh.
Tiêu biểu nhất là quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, đã mua thêm 10,6 tấn vàng, nâng tổng lượng vàng mà tổ chức này nắm giữ tính đến cuối ngày 16-9 đạt 1.251,91 tấn. Diễn biến này cho thấy, một bộ phận nhà đầu tư đã quay về với vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Bộ trưởng tài chính các quốc gia khu vực Eurozone và Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) công bố, sẽ tổ chức cuộc họp kéo dài hai ngày tại Ba Lan để tiếp tục thảo luận những biện pháp hỗ trợ Hy Lạp, cũng như thúc đẩy sự ổn định của hệ thống tài chính trong khối EU.
Đồng euro suy yếu và trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, trong khi hàng hóa giảm. Chỉ số S&P 500 của Mỹ và Stoxx Europe 600 của châu Âu chốt phiên cuối tuần đều tăng 0,6%. Euro giảm 0,6%, đưa tỷ giá EUR/USD giảm còn 1,3786, trong khi chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh tăng 0,5% lên 76,618.
Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm giảm hai điểm cơ bản, còn 2,06 điểm. Dầu thô khép tuần giảm còn 87,96USD/thùng.