Năm 2012, được các chuyên trang về du lịch nổi tiếng đánh giá Cửa Vạn – vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là 1 trong 16 ngôi làng chài đẹp nhất thế giới. Ảnh: Hoàng Dương |
Kỳ I: Trở lại làng chài cổ đẹp nhất thế giới
Năm 2012, các chuyên trang về du lịch nổi tiếng đánh giá Cửa Vạn - vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là 1 trong 16 ngôi làng chài đẹp nhất thế giới. Không chỉ vượt tiêu chí về địa thế, phong cảnh mà Cửa Vạn còn chinh phục du khách bằng những nét văn hóa độc đáo của một ngôi làng chài cổ cùng những cư dân hiếu khách của vùng vịnh di sản.
Hồn cốt của di sản
Cách đảo Tuần Châu (TP. Hạ Long) khoảng 20km, tương đương hơn 2 giờ di chuyển bằng tàu du lịch là làng chài Cửa Vạn. Làng chài được đánh giá là trung tâm văn hóa của quần thể làng chài trên vịnh Hạ Long và cũng là ngôi làng có địa thế độc đáo nhất khi được các dãy núi bao quanh, che chắn thành một vụng biển giữa kỳ quan thiên nhiên.
Trước đây, Cửa Vạn là nơi sinh sống của hàng nghìn ngư dân chuyên làm nghề chài lưới trên vịnh. Không chỉ là nơi trú ngụ của ngư dân trong vùng mà còn là trung tâm văn hóa của tất cả các làng chài khác trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ, làng chài Cửa Vạn là cả một kho tàng lịch sử, những bí ẩn của một nền văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn của những cư dân biển thời tiền sử được khai quật tại một số hang động gần làng chài, trong đó có hang Tiên Ông.
Cửa Vạn là trung tâm văn hóa của quần thể làng chài trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Dương |
Không chỉ có phong cảnh hữu tình mà con người nơi đây cũng chân chất, mặn mà như được trộn lẫn giữa nắng, gió và vị mặn của biển. Cửa Vạn sớm trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Trước đây, hàng năm Cửa Vạn đón cả gần triệu lượt khách đến tham quan. Sau khi được đắm mình trong khung cảnh bình yên và thơ mộng, nhiều du khách vẫn muốn được quay lại để khám phá nhiều hơn về con người và mảnh đất nơi đây.
“Vịnh Hạ Long trở thành di sản của nhân loại không chỉ vì cảnh đẹp có một không hai của tạo hóa ban cho. Chính những bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo của hàng vạn cư dân trên những ngôi làng nổi nằm rải rác trong vịnh mới là di sản quý báu cần nuôi dưỡng và phát huy. Ngư dân vùng vịnh chính là hồn cốt của di sản”, cụ Phạm Ngọc Thực, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Quảng Ninh cho biết.
Nhớ về những ngày tháng huy hoàng của các làng chài trên vịnh, cụ Thực vẫn đau đáu câu chuyện làm sao có thể phục dựng lại được cuộc sống chân chất của dân chài, để mỗi khi du khách đến thăm, họ không có cảm giác bị lừa vì chỉ nhìn thấy những ngôi nhà hoang không bóng người nằm vô hồn giữa lòng di sản thế giới.
Ngôi nhà bằng gỗ rộng rãi và khang trang do chính phủ Na Uy tài trợ để lưu giữ những nét văn hóa của làng chài. Ảnh: Hoàng Dương |
Tàn tạ, rách nát
Đã lâu lắm tôi mới có dịp quay trở lại Cửa Vạn. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một Cửa Vạn nhếch nhác, tàn tạ. Những ngôi nhà xập xệ, xuống cấp nằm xiêu vẹo tựa lưng vào vách núi. Không còn là Cửa Vạn của trước đây, Cửa Vạn của top 16 ngôi làng đẹp nhất thế giới nữa.
“Sau 2 năm được xếp hạng đẹp nhất thế giới thì đến năm 2014, vì lý do an toàn và vệ sinh môi trường vịnh, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định di dời các làng chài trên vịnh Hạ Long lên định cư trên bờ tại khu tái định cư Cái Xà Cong thuộc phường Hà Phong (TP Hạ Long). Các làng chài trên vịnh từ đấy chỉ còn trơ trọi những ngôi nhà cửa đóng then cài. Nắng mưa, gió bão không có người chăm sóc, những ngôi nhà xuống cấp, hoang lạnh”, anh Nhặt, một ngư dân vùng vịnh cho biết.
“Không thể có bảo tàng hay nơi lưu giữ hiện vật nào sống động bằng chính cuộc sống thực tế của ngư dân làng chài cả. Ðến cái nơi lưu giữ đấy cũng được nước ngoài tài trợ, trong khi mỗi năm họ thu cả nghìn tỷ từ tiền bán vé tham quan vịnh Hạ Long”.
Cụ Phạm Ngọc Thực, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Quảng Ninh
Ở chính giữa làng chài vẫn còn giữ được một ngôi nhà bằng gỗ rộng rãi và khang trang. Ngay cửa ra vào có 1 tấm bảng hiệu được in chữ nổi với hàng chữ: “Vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Bên dưới có tấm bảng nền xanh chữ trắng: “Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn - Công trình được chính phủ Na Uy tài trợ”.
Tiến vào trong là những hình ảnh của cư dân làng chài được sắp xếp, trình bày lộn xộn. Một số tủ kính trưng bày các hiện vật khảo cổ về các thời kỳ phát triển của Cửa Vạn và những hiện vật tái hiện cuộc sống mưu sinh hay đời sống tâm linh, văn hóa của làng chài.
“Không thể có bảo tàng hay nơi lưu giữ hiện vật nào sống động bằng chính cuộc sống thực tế của người dân làng chài cả. Đến cái nơi lưu giữ đấy cũng được nước ngoài tài trợ, trong khi mỗi năm những người quản lí thu cả nghìn tỷ từ tiền bán vé tham quan vịnh Hạ Long”, cụ Thực nói.
Ở Cửa Vạn hiện giờ chỉ còn hơn chục nóc nhà, hầu hết đã mục nát theo thời gian. Những ngôi nhà này đang được Ban Quản lý vịnh Hạ Long cắt cử người trông coi. Nhiều tấm ván lót nền ngấm nước lâu ngày chỉ chực rụng xuống, nhiều tấm lợp mái bị gió bão thổi bay, vách nhà cũng bị bung đinh vít.
“Làng chài giờ chỉ còn trong ký ức, những ngôi nhà vô hồn lênh đênh cùng sóng nước. Nhiều du khách đến đây đã không hài lòng vì cảm giác cô quạnh khi tham quan những di tích còn sót lại. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất với UBND tỉnh để có hướng bảo tồn và phát triển tiềm năng du lịch của các làng chài cổ trên vịnh và tạo công ăn việc làm cho ngư dân khi được chuyển lên bờ nhưng đến nay vẫn không được như kỳ vọng”, ông Vũ Văn Hùng, Phó giám đốc HTX làng chài du lịch Hạ Long cho biết.
( Còn nữa)