“Người vô gia cư”
Trên chiếc thuyền nan nhỏ bé, bà Xinh cùng đứa cháu gái vui mừng khi chở chúng tôi ra xóm chài nhỏ gần bờ. Tay thoăn thoắt gạt mái chèo, bà Xinh đon đả kể hết chuyện này sang chuyện kia vì rất lâu rồi chúng tôi mới có dịp ra thăm xóm chài. Tiện chuyến đi, chúng tôi kêu gọi một số anh em quyên góp quần áo cũ mang ra cho cả xóm.
Cách bến cá cũ của chợ Hạ Long chừng vài trăm mét, một nhóm dân chài tự lập xóm dựa sát vào lưng núi để nương tựa lẫn nhau. Những người quá tuổi trung niên và trẻ con sẽ sống gần bờ tìm kiếm những công việc phù hợp như thả câu, giăng lưới hoặc ai thuê gì làm nấy, còn những đôi vợ chồng trẻ sẽ căng buồm ra xa hơn để đánh bắt hải sản. Mỗi chuyến ra khơi có khi mất nửa tháng mới về.
Nhặt, con trai bà Xinh sinh năm 1986 nhưng đã có 5 đứa con nhỏ. Gửi cho bà nội đứa lớn 8 tuổi, hai vợ chồng cùng 4 đứa con nhỏ nheo nhóc ra vịnh kiếm ăn gần chục ngày nay chưa về. Gia đình bà Xinh vốn là cư dân của làng chài Cửa Vạn có 2 con là Trầu và Nhặt. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi 2 anh em Trầu và Nhặt khôn lớn.
Điều mà bà Xinh vẫn đau đáu trong lòng ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng các con vẫn không có mảnh đất cắm dùi |
Điều mà bà vẫn đau đáu trong lòng ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng các con vẫn không có mảnh đất cắm dùi. Gia đình bà không có tên trong danh sách cấp nhà cho ngư dân ở phường Hà Phong. Sau nhiều năm đi hỏi khắp nơi, bà vẫn không tìm được câu trả lời xác đáng từ phía chính quyền.
Làng chài đã bị dỡ bỏ, nhà không có, mấy mẹ con bà cháu sống lay lắt, tạm bợ trên 2 chiếc thuyền câu bé tẹo teo, lênh đênh nay đây mai đó trên vịnh gần chục năm nay. Những ngư dân vùng vịnh bỗng chốc trở thành “người vô gia cư” không chốn nương thân.
“Lúc ông nhà tôi còn sống, họ đến vận động tôi tháo dỡ bè và hứa sẽ cho một suất lên bờ tái định cư. Không may ông nhà tôi mất, cả gia đình lo đám cho ông nên chưa kịp tháo dỡ thì họ cho xuồng đến kéo bè đi và từ đấy chúng tôi không có trong danh sách được lên bờ tái định cư. Tôi đi hỏi thì người ta chỉ nói nhà tôi không đủ điều kiện theo đề án”, bà Xinh nghẹn ngào nói.
Cư dân vịnh Hạ Long đang sống chui trốn lủi vì những khoản nợ khi lên bờ định cư Ảnh: Hoàng Dương |
Cùng hoàn cảnh với bà Xinh, gia đình anh Bùi Văn Thanh và chị Nguyễn Thị Thủy cũng tương tự. Họ cũng không có tên trong danh sách được cấp nhà mặc dù trước đó họ được làm sổ hộ khẩu ghi nơi thường trú thuộc phường Hùng Thắng, TP Hạ Long. Đợt làm thẻ căn cước công dân gần đây nhất, nội dung trong thẻ lại ghi nơi tạm trú tại tổ 58, khu 6B phường Hà Phong, TP Hạ Long. Nhưng trên thực tế, vợ chồng anh Thanh, chị Thủy cùng nhiều gia đình khác sống lênh đênh trên vịnh không có nơi để về.
Lênh đênh, vô định
Những “người vô gia cư” như gia đình bà Xinh, anh Thanh, chị Thủy ở trên vịnh Hạ Long không phải là ít. Nhưng đặc biệt có những ngư dân có nhà nhưng không dám về, sống chui, trốn lủi biệt tăm ngoài vịnh không dám vào bờ vì sợ bị bắt nợ.
Xuôi nhẹ mái chèo, anh Trầu (con trai cả bà Xinh) đưa tôi ra khu vụng Táo để tặng quà cho cha con một thanh niên tên là Chuối. Chuối rụt rè đưa tay đỡ lấy túi quần áo cũ tôi đưa cho nhưng ánh mắt vẫn dè chừng, e ngại. Chắc Chuối nghĩ tôi được chủ nợ thuê ra để siết nợ vì theo anh Trầu kể, Chuối đang nợ số tiền lớn và thường xuyên bị chủ nợ truy tìm.
Những xóm chài nhếch nhác trên vịnh Hạ Long Ảnh: Hoàng Dương |
“Trước kia khi còn ở Cửa Vạn, nó ngoan, chăm chỉ chài lưới và được tiếng sát cá nhất làng. 2014 bố mẹ nó được cấp nhà cửa đàng hoàng bên Hà Phong. Lên bờ, 2 vợ chồng cùng 2 đứa con làm đủ việc kiếm ăn. Bốc vác, chạy xe ôm, trồng cỏ cho FLC... nhưng vẫn túng thiếu. Đến một ngày dân xã hội xăm trổ đến nhà bắt hắn viết giấy nợ 200 triệu gán suất nhà tái định cư. Lúc đấy mới vỡ lẽ nó vay tiền chơi lô đề”, anh Trầu kể lại chuyện đời của Chuối.
Mới 35 tuổi nhưng Chuối già hơn tôi nghĩ. Râu ria xồm xoàm, thân hình gầy gò lom khom trên chiếc thuyền cũ nát cùng 2 đứa con trai. Từ ngày xảy ra chuyện đã gần 6 năm, Chuối rất ít khi vào bờ, cần gì Chuối sẽ nhờ người mua bán giúp vì mỗi lần lên bờ là mỗi lần bị chủ nợ truy tìm.
“Làm đủ nghề nhưng không đủ ăn, thấy chúng nó chơi lô đề dễ trúng nên chơi đại. Được nửa năm thì bán xe máy để gỡ, gỡ không nổi thì chúng nó cho vay. Vay đâu gần trăm triệu mấy tháng sau nó tính lên 200 triệu. Phải gán nhà nên bố mẹ chán nản bỏ nhà xuống biển. Thấy không trả được nợ nên tôi cũng dắt díu vợ con xuống biển luôn”, Chuối kể.
Theo một người dân bản địa cho biết, hiện hơn 50% nhà tái định cư của ngư dân ở Hà Phong đã bị siết nợ. Tuy nhà không có giấy tờ, không thể giao dịch mua bán nhưng các chủ nợ vẫn chiếm dụng để chuyển nhượng lại cho các gia đình khác có nhu cầu với giá cao hơn.
Trong thời gian trốn nợ, vợ chồng Chuối lại “nhỡ” có thêm 2 đứa con. Gia đình 6 miệng ăn nheo nhóc trên chiếc thuyền câu lênh đênh trên vịnh. Xót con, vợ Chuối đã bế 2 đứa nhỏ sang thuyền nhà ngoại, để lại 2 đứa lớn cùng sống “du hải” với cha trên vịnh.
Theo một người dân bản địa cho biết, hiện hơn 50% nhà tái định cư của ngư dân ở Hà Phong đã bị siết nợ. Tuy nhà không có sổ đỏ, không thể giao dịch mua bán nhưng các chủ nợ vẫn chiếm dụng để chuyển nhượng lại cho các gia đình khác có nhu cầu với giá cao hơn.
Những tưởng đề án “Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long” năm 2014 sẽ tạo nên một “cuộc cách mạng” mang tính đột phá, ngư dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và đặc biệt là trẻ em sẽ được đến trường. Thế nhưng, đến nay, giấc mơ ấy đã hoàn toàn sụp đổ, những phận người, những cảnh đời éo le vẫn đang sống lênh đênh, vô định trên vịnh di sản.
(Còn nữa)