Quá trình hình thành sỏi không có triệu chứng nên bệnh nhân thường không biết mình bị sỏi thận. Chỉ đến khi sỏi gây đau đớn, hay đi tiểu ra sỏi mới biết. Nếu thấy xuất hiện một số triệu chứng sau thì cần xét nghiệm chẩn đoán thêm:
Cơn đau thận do sỏi gây tắc bể thận và niệu quản, gây đau vùng thắt lưng, lan xuống hố chậu, bìu, kèm nôn hay trướng bụng.
Cơn đau âm ỉ vùng thắt lưng do sỏi không gây tắc.
Đái ra máu do sỏi gây tổn thương đường tiết niệu hay do nhiễm khuẩn gây tổn thương thận chảy máu.
Những triệu chứng trên kết hợp sốt cao 38 – 39oC, và/hoặc ớn lạnh, thận to đau, cảm giác bỏng rát, đau khi tiểu, nước tiểu đục do nhiễm khuẩn.
Cách phòng ngừa sỏi thận
Uống nhiều nước: đây là cách phòng ngừa sỏi thận hiệu quả, an toàn và rẻ tiền nhất. Mỗi ngày nên uống khoảng từ 2,5 – 3 lít nước lọc hoặc ăn uống làm sao để có lượng nước tiểu đạt được trên 2,5 lít trong một ngày.
Hạn chế thực phẩm có nhiều chất oxalat: như bia đen, trà đen, sôcôla, đậu nành, đậu phộng, củ cải, cà rốt, táo, mận, dừa, dứa, đào, hành tây...
Ăn lạt, ăn ít thịt động vật: không nên ăn mặn, ăn nhiều thịt. Thực phẩm chứa nhiều muối và nhiều chất đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết chất calcium và cystine, gây ra sỏi. Ngoài ra chúng còn làm giảm bài tiết chất citrat, là chất giúp ngăn chặn sự tạo thành sỏi.
Ăn nhiều rau tươi: chất xơ của rau sẽ giúp tiêu hoá nhanh, tránh ứ đọng trong ruột, giảm thiểu sự tái hấp thụ chất oxalat từ ruột để tạo nên sỏi niệu. Ngoài ra, chất kiềm cung cấp bởi rau tươi sẽ gia tăng sự bài tiết chất citrat chống lại sỏi thận.
Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purine: Chẳng hạn như cá khô, thịt khô, mắm, lòng bò, lòng heo...vì dễ gây ra sỏi niệu.