Đấu giá biển số xe: Không được phép chuyển nhượng

Biển số xe đẹp được phân làm 5 nhóm cơ bản. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Biển số xe đẹp được phân làm 5 nhóm cơ bản. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
TP - Sáng 28/2, trao đổi với báo chí về đề án đấu giá biển số xe, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc đấu giá biển số xe sẽ tạo ra sự công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo ra nguồn ngân sách cho địa phương.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, hiện nay việc soạn thảo quy định về đấu giá biển số xe cơ bản đã xong, đang chờ Văn phòng Chính phủ cho ý kiến cuối cùng để báo cáo Thủ tướng cho triển khai. Về cách thức thực hiện, ông Sơn cho biết, cơ quan quản lý sẽ công khai danh sách biển số đẹp trên mạng để người dân biết và đăng ký. Nếu có từ 2 người trở lên đăng ký thì sẽ tổ chức đấu giá để lựa chọn.

Về giá sàn, theo Trung tướng Sơn, sẽ có một hội đồng gồm các ngành công an, tài chính, tư pháp thống nhất giá và phương thức cụ thể. Đấu giá được thực hiện theo hình thức trực tuyến, rất công khai, minh bạch. “Việc đấu giá biển số xe sẽ tạo ra sự công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo ra nguồn ngân sách cho địa phương”, ông Sơn nhấn mạnh.

Về những băn khoăn cho rằng, việc không cho phép chuyển nhượng biển số đẹp sẽ giảm đi tính hiệu quả, ông Sơn khẳng định “biển số nào phải đi cùng với xe đấy. Tạo ra kinh doanh biển số xe là không được. Do đó cơ quan quản lý không cho phép chuyển nhượng biển số đẹp”. “Bán xe chứ không phải bán biển số xe. Nếu bán xe cho người cùng tỉnh, thành phố thì bán xe đi liền với bán biển số đấy. Còn nếu chuyển tỉnh, chuyển thành phố thì phải thu hồi biển số xe đấy lại”, ông Sơn cho hay.

Trả lời câu hỏi, nếu người dân muốn mua biển số xe theo ngày sinh hoặc năm sinh có được không? Ông Sơn cho hay, người dân hoàn toàn có quyền đăng ký biển số mà mình muốn với cơ quan quản lý. Sau đó cơ quan quản lý sẽ xem xét và công khai biển số này vào danh sách đấu giá. “Nếu có từ hai người trở lên đăng ký thì sẽ tổ chức đấu giá. Trường hợp chỉ một người có nhu cầu thì cơ quan quản lý sẽ xem xét để cấp biển đó cho người dân, với mức phí cao hơn so với quy định”, ông Sơn cho biết.

Tránh đầu cơ, trục lợi

Trả lời báo chí ngày 28/2, đại tá Lê Xuân Đức - Phó cục trưởng CSGT cho biết, việc thực hiện cấp biển số xe qua đấu giá sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Đấu giá tài sản, Luật Sử dụng tài sản công... Mỗi biển số sẽ được cấp cho một phương tiện và không được mua bán, chuyển nhượng cho người khác sau khi đấu giá hoàn thành. Nếu chủ xe muốn sang tên, chuyển nhượng cho người khác cùng địa phương thì tiếp tục được sử dụng biển số này.

Theo đại tá Lê Xuân Đức, việc đấu giá biển số sẽ công khai trên hệ thống và người dân có thể đấu giá trực tuyến. Người dân có nhu cầu phải có phương tiện, tài khoản và hồ sơ hợp lệ. Khi 2 người trở lên có cùng nhu cầu đăng ký cùng một biển số sẽ thực hiện việc đấu giá công khai. Số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.

Đại tá Trần Sơn cho rằng, hiện nay biển số xe chỉ được xem như một công cụ quản lý phương tiện nên cần thay đổi các quy định liên quan để xem biển số xe đẹp là tài sản. “Trong trường hợp xem biển số xe là tài sản thì phải bảo đảm được 3 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề về việc chủ sở hữu có thể cho tặng, chuyển nhượng biển số xe sau khi đã đấu giá thành công”, đại tá Trần Sơn nêu quan điểm.

Theo đại tá Trần Sơn, trước đó chủ trương đấu giá biển số xe đã được đặt ra nhiều lần và thí điểm tại Nghệ An, Hải Phòng từ năm 2008. Qua thí điểm đấu giá cho thấy số tiền thu về cho ngân sách rất lớn.

Biển số xe đẹp có phải là tài sản?

Trao đổi với Tiền Phong ngày 28/2 về vấn đề này, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật – Giám đốc Văn phòng luật sư hợp danh Đông Nam Á cho biết, dự thảo đấu giá biển số đẹp là sự tiến bộ, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần làm rõ “biển số” (gồm tấm biển và con số được ghi trên biển) có phải là tài sản không? Tài sản đó của ai? Quyền nghĩa vụ các bên tham gia đấu giá?

Do chưa xác định được nó là loại tài sản gì, quyền gì nên không thể chuyển nhượng hay thừa kế nó một cách độc lập nếu không gắn nó với một tài sản đặc định. Dự thảo đấu giá biển số là sự tiến bộ, đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng nó chưa phù hợp luật dân sự, luật đấu giá và tạo sự bất bình đẳng trong quan hệ đấu giá (bên trúng đấu giá không có quyền sở hữu, không chuyển giao quyền sở hữu, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn… và phải sử dụng theo quy định do bên bán áp đặt).

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp, cho biết, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Công an để tháo gỡ vướng mắc pháp lý liên quan tới việc biển số xe là tài sản hay công cụ quản lý nhà nước, tiến tới hoàn thiện cơ chế đấu giá biển số xe.

Theo quy định của dự thảo, 5 nhóm biển số đấu giá gồm: Biển có 5 chữ số giống nhau; Biển có 4 chữ số cuối giống nhau; Biển có 3 chữ số giống nhau; Biển có số sau lớn hơn số trước - biển có số tiến; Biển có các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn, khác 4 nhóm trên.

MỚI - NÓNG