Đau đớn mất 3 tỷ USD: Hoảng loạn trong 'ngày đen tối'

Đau đớn mất 3 tỷ USD: Hoảng loạn trong 'ngày đen tối'
Phiên giảm điểm mạnh nhất trong 15 tháng qua khiến chứng khoán mất gần 30 điểm. Theo đó, hơn 3 tỷ USD vốn hóa bốc hơi khiến dân đầu tư hoang mang. VN-Index mất hơn 110 điểm so với đỉnh cao hồi giữa tháng 7.

Hoảng loạn bán tháo

Gần như toàn bộ cổ phiếu trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội bất ngờ bị bán tháo ở mức độ chưa từng có kể từ cuối tháng 5 năm ngoái. Hàng trăm mã giảm sàn từ đầu tới cuối phiên, kéo VN-Index giảm suýt soát 30 điểm (-5,28%) về sát 525 điểm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 29,37 điểm, tương ứng giảm 5,28% về 526,93 điểm. Còn HNX-Index giảm 4,51 điểm (-5,81%) về 73,09 điểm. Đây là phiên mất điểm mạnh nhất trong 15 tháng qua.

Trong phiên, có lúc VN-Index mất tới 32,63 điểm, tương ứng giảm 5,87% xuống 523,67 điểm (13h18). 

Như vậy, so với mức cao nhất 2015 thiết lập hôm 14/7 (638,69 điểm), VN-Index đã mất tổng cộng hơn 110 điểm, tương đương 17,5%.

Với cú lao dốc ngày 24/8, tổng vốn hóa của TTCK Việt Nam đã bốc hơi hơn 60 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ USD. Trong 3 phiên qua, VN-Index giảm 9,2%, khiến vốn hóa thị trường giảm gần 4 tỷ USD. 

Tính từ đầu tháng 8, VN-Index mất tổng cộng hơn 15%, vốn hóa thị trường bốc hơi gần 150 ngàn tỷ đồng (gần 6,6 tỷ USD). Còn so với đỉnh cao giữa tháng 7, thị trường đã mất gần 7,6 tỷ USD. 

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) lý giải, có nhiều thông tin không tốt phủ bóng trên TTCK trong vài phiên gần đây, nhất là trong ngày giao dịch đầu tuần mới (24/8). 

Theo đó, chứng khoán thế giới chao đảo. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc có lúc giảm tới 9%, trước khi đóng cửa với mức mất 8,5% xuống 3.209,9 điểm, sau khi đã giảm sâu trong nhiều phiên trước đó.

Cũng theo chuyên gia TVB, nhiều NĐT lo ngại biến động tỷ giá khó lường, khả năng một cuộc chiến tiền tệ mới trên thế giới, hành động cơ cấu của khối ngoại, dự báo lãi suất trong nước, các tin đồn liên quan tới anh em doanh nhân nhà ông Đặng Thành Tâm, vấn đề Nam - Bắc Hàn,... sẽ còn tác động tới thị trường.

Hiện tượng khối ngoại bán ròng chứng chỉ quỹ và cổ phiếu trên TTCK Việt trong vài phiên gần đây cùng với áp lực bán giải chấp tại nhiều CTCK khi cổ phiếu rớt giá mạnh đã nhấn chìm thị trường.

Trên thực tế, hàng loạt thông tin xấu đã xuất hiện từ trước đó. Thị trường tài chính, tiền tệ và chứng khoán thế giới đã rúng động trong gần 2 tuần qua, kể từ khi Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng NDT tổng cộng 4,6% bắt đầu từ ngày 11/8.

Nhiều CTCK lo ngại về khả năng rút vốn của khối ngoại ở các thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc. Sự lo ngại này cũng xuất hiện tại Việt Nam sau khi NHNN hai lần quyết định nới biên độ tỷ giá USD/VND thêm tổng cộng +-2% và nâng tỷ giá thêm 1% sau khi đã nâng tổng cộng 2% trong 2 lần hồi tháng 1 và tháng 5/2015.

Đau đớn mất 3 tỷ USD: Hoảng loạn trong 'ngày đen tối' ảnh 1

NĐT nên thận trọng và không nên vội vàng bắt đáy.

Tin xấu: đâu là điểm dừng?

Ngay trước phiên giao dịch, CTCK VCBS đã cho rằng, tâm lý của các NĐT trở nên khá bi quan và hoảng loạn khi những tin tức không mấy tích cực liên tục xuất hiện. Và áp lực giải chấp đang hiện hữu rõ nét hơn bao giờ hết.

Một đặc điểm của đợt giảm này là áp lực bán dứt khoát hơn, ồ ạt hơn và hoàn toàn chiếm áp đảo lực cầu yếu. Và, tất cả các cổ phiếu từ bluechips đến penny đều không thoát khỏi xu hướng giảm chung.

Bên cạnh đó, theo CTCK này, giá dầu thô thế giới liên tục phá đáy 6 năm và chỉ còn khoảng 40 USD/thùng (tới chiều 24/8 chỉ còn 39,38 USD/thùng) đã khiến cho một trong những nhóm cổ phiếu chủ chốt trên sàn là dầu khí bị ảnh hưởng tiêu cực.

Đại diện một CTCK cho rằng, TTCK hoảng loạn trong phiên đầu tuần là do sự cộng hưởng của quá nhiều tin xấu. Và điều đáng lo ngại là, nhiều NĐT không biết đâu là điểm dừng của những rối loạn trên thị trường tài chính, chứng khoán trên thế giới.

Chứng khoán Trung Quốc hôm 24/8 đã giảm ở mức mạnh nhất kể từ 2007. Chứng khoán Nhật cũng giảm mạnh nhất kể từ 2/2014. Trước đó, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất trong 4 năm.

Điều quan trọng là không biết sự bất ổn trên thế giới sẽ còn kéo dài bao lâu. Do vậy, cũng như nhiều NĐT đã quyết định cắt lỗ. Mặc dù vậy, ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để có thể mua được cổ phiếu giá rẻ.

Ông Lê Quang Trí cho rằng, TTCK có thể sẽ sớm ổn định trở lại. Khối lượng giao dịch lớn (đạt hơn 3 ngàn tỷ trên sàn TP.HCM) cho thấy lực mua vào ở vùng giá thấp không hề nhỏ. Giao dịch tăng mạnh cho thấy, NĐT bắt đầu chấp nhận vùng giá hiện tại bắt đâu hợp lý để giải ngân dần.

Ông Trí nói thêm, với mức giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) trung bình của toàn sàn khoảng 8-9 lần như hiện nay, vùng đáy cũng đã rất gần và TTCK sẽ ổn định trở lại. NĐT có thể xem xét giải ngân vào thị trường... cho kế hoạch trung hạn.

Chứng khoán Trung Quốc đã giảm 37% so với đỉnh ghi nhận hôm 12/6 và thổi bay 4 ngàn tỷ USD. Nhưng đó là hậu quả của một nền kinh tế đang diễn biến xấu đi và một số lĩnh vực đã rơi vào tình trạng bong bóng.

Biến động trên TTCK Trung Quốc có lẽ đang gây áp lực lớn tới TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, sự hoảng loạn có lẽ một phần do yếu tố tâm lý bầy đàn của các NĐT trong nước. Dòng tiền hiện vẫn khá lớn, chảy vào vàng rất nhỏ và chưa có dấu hiệu đổ vào BĐS. 

Còn hiện tượng bán của khối ngoại về ngắn hạn là có tác động tiêu cực tới TTCK. Tuy nhiên, đây có lẽ cũng chỉ là hành động tái cơ cấu. Khối lượng bán ra và trăm tỷ đồng không lớn so với quy mô vốn ngoại trên 12 tỷ USD.

Theo Theo VEF
MỚI - NÓNG