Ông Hằng đề nghị, MTTQ các cấp phải chất vấn, giám sát, đề nghị chính quyền các cấp ngăn chặn tình trạng trên.
Nhắc lại câu nói của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu ra tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta hiện nay chưa bao giờ ngắn và dễ dàng đến thế”, ông Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, thực tế đúng là như thế. Giờ đây nhìn đâu người dân cũng thấy thực phẩm bẩn; chăn nuôi thì sử dụng chất cấm, trồng rau thì phun hoá chất, kích thích rất độc hại…
Ông Hằng kể, cách đây không lâu, một cơ quan bảo vệ thực vật ở Thái Bình đã chỉ đạo người dân dùng thuốc trừ sâu của một hãng để phòng bệnh cho lúa. Nhưng khi phun xong thì sâu chết và lúa cũng chết theo. “Người Việt mình cứ tự giết người Việt mình thôi, lo lắng, băn khoăn lắm”, ông Hằng nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, tình trạng sản xuất, buôn bán các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang gây ra rất nhiều bức xúc. Rõ nhất là hình ảnh người nông dân trồng hai luống rau, một luống sạch để ăn, còn luống không an toàn vệ sinh thì đem bán. “Như thế là sản xuất thực phẩm bẩn, là đầu độc người dân, không thể chấp nhận được”, ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, trong thời gian tới MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó sẽ tăng cường tuyên truyền, xây dựng văn minh và đạo đức trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Trong đó sẽ tăng cường vận động người dân không bán hàng không có xuất xứ nguồn gốc, cũng như hàng giả, hàng kém chất lượng… Bên cạnh đó cũng xem xét đưa vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào tiêu chí công nhận gia đình văn hoá. “Một gia đình được công nhận là gia đình văn hoá thì không thể có chuyện sản xuất, buôn bán thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm được. Do đó, khi thực hiện tiêu chí trên có thể số lượng gia đình văn hoá đạt được sẽ giảm so với trước, nhưng chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta không thể cứ để mãi tình trạng người Việt “đầu độc” người Việt bằng thực phẩm không đảm bảo an toàn chất lượng mãi được”, ông Nhân khẳng định.
“Sân trước, sân sau” làm nghèo đất nước.
Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, ông Hằng cho rằng vẫn diễn ra nghiêm trọng, trong đó nổi bật nhất là tình trạng lợi ích nhóm cấu kết với nhau. Dẫn chứng được ông Hằng nêu ra để minh họa cho ý kiến của mình là việc, có nơi còn cho cả lái xe của lãnh đạo đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài. “Người ta nói là bây giờ lãnh đạo thì cần sân sau, doanh nghiệp thì cần sân trước. Sân trước, sân sau tạo thế “ỷ dốc”, cuối cùng là tàn phá đất nước này và làm đất nước ta nghèo mãi”, ông Hằng nói.