Cú sốc trên đất nước Mỹ
Lựa chọn du học là một xu thế đang thịnh tại Việt Nam, hàng năm, những huy chương vàng, huy chương bạc Olympic, các thủ khoa lần lượt ra đi tìm đường phát triển riêng. Và điều đó cũng phần nào khẳng định những tồn tại của giáo dục ĐH Việt Nam. Cách đây 10 năm, ThS Lê Đình Hiếu (đồng sáng lập và là CEO G.A.P, Cố vấn dự án Today’s Voice (UNESCO - CEP), và là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018) đã hòa mình vào dòng chảy chung đó. Đặt chân lên đất Mỹ, cú sốc lần đầu tiên của Hiếu chính là lời từ chối thẳng thừng của chủ nhà cho thuê.
Lý do vì nhiều người Việt Nam quỵt nợ. Anh khóc rất nhiều nhưng người bạn ở cùng chỉ đưa cho anh tờ giấy ghi một câu: “Tài sản lớn nhất của tôi là nỗi nhục nước nghèo”. Tờ giấy đó, anh dán ở bàn học suốt những năm ở Mỹ và ở bàn làm việc cho tới tận bây giờ. Mỗi ngày khi đi học, trong anh luôn suy nghĩ đến câu chuyện duy nhất là dân tộc mình chưa được đánh giá cao trên thế giới, nếu mình học dốt, nếu không đứng đầu lớp thì không ai nhìn nhận. Sau 4 năm, Hiếu là thủ khoa người Việt đầu tiên của ĐH UCLA. Tuy nhiên, mỗi thủ lĩnh đều có con đường để đến với vinh quang. Với Hiếu, được đào tạo phổ thông theo đúng “chuẩn Việt Nam” học giỏi toán, vào đội tuyển, đi thi quốc gia…
Đến năm lớp 11, có ý định đi du học Hiếu mới bắt đầu cày tiếng Anh. Hành trang đến nước Mỹ của Hiếu không thiếu loại chứng chỉ tiếng Anh nào. Nhưng lên lớp, Hiếu không hiểu thầy cô đang nói gì. Thì ra, thứ tiếng Anh mà Hiếu đã học ở Việt Nam chỉ là những thứ mẹo mực để thi đạt điểm. Anh sốc thêm lần nữa.
Nếu không qua được cửa ải này, anh sẽ bị trả về nước. Hiếu đã đến gõ cửa thày giáo của mình và bài học mà người thầy ấy cho đã theo anh đến nay: Ở Mỹ, nếu bạn không gõ cửa, không ai mở cửa cho bạn. Hiếu đã tự tìm được cánh cửa cho mình. Hiếu cho rằng, môi trường ở các trường ĐH của Mỹ rất an toàn, nên người học hay bất cứ ai trong môi trường đó đều dám thừa nhận yếu kém của bản thân, còn ĐH của Việt Nam chắc sẽ khó. Không những thế, ở Mỹ, sinh viên được học bằng cách giải quyết từ bài toán thực tế.
Tài liệu mật
Năm 1997, trường ĐH Khoa học tự nhiên (KHTN), ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh chương trình đào tạo cử nhân tài năng. Nhớ lại những ngày này, GS Mai Trọng Nhuận, nguyên giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội rất hồ hởi. Vì ngày đó, thực hiện chương trình này, trường có toàn quyền trong tay như được quyết định mức học bổng toàn phần cho sinh viên, chương trình giảng dạy… GS Mai Trọng Nhuận cho biết, học bổng của sinh viên hệ cử nhân tài năng ngày đó tương đương với lương GS 500.000đồng/tháng gồm học phí, chi phí sinh hoạt, hợp tác quốc tế ít, nên tuyển sinh chất lượng rất tốt.
Nhưng GS Nhuận cũng không khỏi tiếc nuối khi sau 3 năm, sức hút này không còn nữa. Phân tích chung, GS Mai Trọng Nhuận cho rằng nguyên nhân là do người dân chưa hiểu và sẵn sàng trả tiền cho một giá trị nào đó mà cụ thể ở đây là đào tạo nhân tài. Tuy nhiên, là người đã tham gia quản lý và giờ tham gia kiểm định các trường ĐH, GS Mai Trọng Nhuận cũng hiểu rất rõ những khó khăn rào cản của các cơ sở giáo dục ĐH trong việc đào tạo người tài. Có đội quân tinh hoa để đảm bảo chất lượng hay không?
Có đủ bản lĩnh trí tuệ để làm thật hay không? Vì khi không còn tự do học thuật thì không còn sáng tạo. Ngày đó, trường ĐH KHTN đã xây dựng một bộ tiêu chí để chọn người tài như quản lý thế nào, nghiên cứu khoa học ra sao. Bộ tiêu chí được đo bằng tất cả các chỉ số định lượng, chỉ số sáng tạo nhưng đến giờ, bộ chỉ số này trở thành tài liệu mật. Nhận diện người tài đã khó, đúc ra người tài còn khó hơn.
Mong được nhìn thấy “hình hài” Luật trọng dụng nhân tài
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân dường như vẫn luôn dư thừa năng lượng so với những gì ông đã thể hiện ở chốn nghị trường hay “quan trường” trước đó. Ông luôn được biết đến là một người quyết liệt, gai góc, hết lòng vì công việc chung. Khi đọc chiếu Lập học của hoàng đế Quang Trung, ông luôn tâm đắc với “khẩu hiệu”: Kiến quốc dĩ giáo dục vi tiên/ Cầu trị dĩ nhân tài vi cấp”.
Và vì tâm đắc nên ông cũng luôn trăn trở: ‘Các triều đại thịnh trị, các quốc gia phát triển, nhờ có chính sách trọng dụng nhân tài, đã làm nên lịch sử vẻ vang cho dân tộc’. Bởi vậy từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII đến nay, ông vẫn hy vọng sẽ có ngày Quốc hội ban hành “Chiếu Cầu hiền” là luật Trọng dụng nhân tài. Đây là ý tưởng được ông nung nấu từ lâu. Ý tưởng ấy bắt nguồn từ việc ông thích lịch sử nước nhà.
Đặc biệt, ông ngưỡng mộ hai bậc vĩ nhân của dân tộc trong việc tập hợp, quy tụ nhân tài để lập quốc, kiến quốc là vua Lê Thánh Tông và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIII, ĐBQH Lê Thanh Vân đã đề nghị có Luật Trọng dụng nhân tài nhưng nay đã là cuối nhiệm kỳ quốc hội khóa XIV vẫn chưa có ai hỏi. Ông lại thấy, những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương về trọng dụng nhân tài, nhưng mỗi nơi làm một khác, chưa có bộ quy tắc chung cho cả nước.
Có địa phương đưa ra chính sách mời gọi người tài về làm việc nhưng có thực tâm hay không khi người tài về lại giao cho họ những công việc trái khoáy, khác gì bó tay người tài. Nếu thật tâm trọng dụng người tài thì phải biết bảo vệ người tài, không phải trên trải thảm dưới rải đinh như vừa qua để nhân tài vào rồi lại quay ra. ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng: Phải có luật để đưa bộ quy tắc có tính bắt buộc về những vấn đề liên quan đến trọng dụng nhân tài, được vậy mới có nguồn lực tinh hoa ra giúp dân, giúp nước.
Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, ông đã đề xuất ban hành luật Trọng dụng nhân tài và liên tục đến kỳ họp thứ ba ông kiến nghị, và Quốc hội đã đưa vào Nghị quyết, giao Chính phủ nghiên cứu, báo cáo Quốc hội.
Các triều đại thịnh trị, các quốc gia phát triển, nhờ có chính sách trọng dụng nhân tài, đã làm nên lịch sử vẻ vang cho dân tộc. Và, suy cho cùng, thì chỉ có nhân tài mới nhận ra nhân tài mà thôi! Ông Lê Thanh Vân