Du lịch vượt Indonesia
Cụ thể lượng khách du lịch 2019 ước đạt 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16% so với năm 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%). Với thành tích này, du lịch Việt Nam chính thức vượt du lịch Indonesia.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch châu Á- Thái Bình Dương, hết quý II năm 2019, Việt Nam đứng thứ 10 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đón khách cao nhất châu Á- Thái Bình Dương, vượt qua Indonesia để đứng thứ tư Ðông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia và Singapore. Trong giai đoạn 2015-2019 lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn hai lần, từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, mức bình quân đạt hơn 22%/năm.
Du lịch thăng hạng
Không chỉ đạt được mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế năm 2019 như Chính phủ giao phó, hướng tới mục tiêu đón 20,5 triệu khách quốc tế năm 2020, du lịch Việt Nam còn nhận nhiều đánh giá tích cực.
Tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26 (World Travel Awards - WTA) Việt Nam lần đầu chiến thắng tại hạng mục “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019” và “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019”. Một loạt danh hiệu khác: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến Golf tốt nhất châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019.
Việc ghi danh nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc, thu hút sự chú ý đến các di sản khác trên khắp thế giới. Sức sống của di sản được đảm bảo bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng.
Hiện di sản này được tập trung thực hành ở vùng Đông Bắc như Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Gang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, ở một số tỉnh vùng Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và một số nơi khác.
Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới thành phố sáng tạo
Ngày 30/10, Hà Nội chính thức được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Mạng lưới này của UNESCO ra đời từ năm 2004 với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Đến nay, mạng lưới đã có sự tham gia của 246 thành phố đến từ các quốc gia trên thế giới theo 7 nhóm lĩnh vực: Thủ công và nghệ thuật dân gian; Nghệ thuật truyền thông nghe nhìn; Điện ảnh; Thiết kế sáng tạo; Ẩm thực; Văn học; Âm nhạc.
Hà Nội khi xây dựng hồ sơ chọn lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Trong vòng bốn năm, Hà Nội phải thực hiện sáu cam kết với UNESCO nhằm đảm bảo tiếp tục ở trong mạng lưới sáng tạo. Với những cam kết này, Hà Nội tham vọng trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực.
Nhiều phim Việt doanh thu khủng
Thị trường phim điện ảnh Việt năm nay chứng kiến kỷ lục mới về doanh thu. Cua lại vợ bầu đạt khoảng 191 tỷ đồng, hiện vẫn là phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Phim hành động Hai Phượng tạm đứng thứ hai với 145 tỷ đồng. Nhà sản xuất tuyên bố phim cán mốc 200 tỷ đồng, tuy nhiên đó là số tiền doanh thu cả ở Mỹ và Canada. Lật mặt 4: Nhà có khách đang được khoảng 100 tỷ đồng.
Một số phim Việt có doanh thu cao tiếp theo như Trạng Quỳnh (99 tỷ đồng), Chị trợ lý của anh (62 tỷ đồng), Pháp sư mù (59 tỷ đồng), Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội, Thất Sơn tâm linh (50 tỷ đồng), Chị chị em em đang đạt hơn 47 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn đang đeo bám vị trí số 2 phim ăn khách hiện nay, doanh thu có thể vượt một số bộ phim Việt khác trong bảng xếp hạng.
Phim truyền hình khởi sắc với “bộ phim quốc dân” Về nhà đi con
Về nhà đi con dài 85 tập do VFC sản xuất là phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. So với những cơn sốt trước đó như “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”, Về nhà đi con có độ phủ khán giả rộng lớn hơn.
Quan trọng hơn cả, đề tài gia đình thân thuộc của bộ phim cộng hưởng với sự diễn xuất của dàn diễn viên như NSND Trung Anh, Hoàng Dũng, nghệ sỹ Ngân Quỳnh, dàn diễn viên trẻ Quốc Trường, Bảo Thanh, Thu Quỳnh, diễn viên trẻ Bảo Hân... “Về nhà đi con” gần như chinh phục được nhiều khán giả khó tính.