Có thể nói, Tiền Phong đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân vùng rốn lũ miền Trung bằng sự nhiệt huyết, kịp thời, thiết thực, hiệu quả... Cùng với các nhà tài trợ, Tiền Phong thường có mặt sớm nhất, không chỉ để đưa tin mà còn kèm theo nhiều món quà ý nghĩa đối với người dân trong lúc khốn cùng do thiên tai gây ra.
Còn nhớ, sau cơn lũ lịch sử 2010, chúng tôi chứng kiến trưởng thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), Nguyễn Văn Sơn người đầy thương tích. Hỏi ra mới biết, lũ lên, thuyền lớn không thể di chuyển, anh Sơn đã dầm mình bơi trong nước xiết để cứu người và tiếp tế lương thực cho dân nên bị gai góc đâm đầy người. Từ kinh nghiệm của người dân sông nước, phóng viên đã đề xuất với Ban Biên tập tặng thuyền thúng làm bằng composite cho người dân vùng rốn lũ. Ý tưởng này được Cty CP sữa Việt Nam Vinamilk tài trợ. 30 chiếc thuyền thúng đã được trao cho người dân các vùng cồn nổi trên sông Gianh của huyện Quảng Trạch, nay là thị xã Ba Đồn, trong đó có thôn Hà Sơn của ông Lân.
Ông Lân kể: Cứ mỗi mùa lũ lụt, mới thấy hết ý nghĩa của mấy chiếc thuyền thúng. Nước lũ lên cao, chảy xiết, trong lúc thuyền lớn không thể di chuyển thì những chiếc thuyền thúng lại rất linh hoạt, có thể luồn lách mọi ngõ ngách để cứu người. Còn nhớ, năm 2013, lốc xoáy đi qua cũng là lúc nước lũ lên ngập làng. Tiếng kêu cứu la hét khắp làng Hà Sơn. Những chiếc thuyền thúng làm bằng nhựa composite đã được huy động chở người bị thương, trẻ em, người già đến nơi cao ráo, sau đó tiếp tục vượt sông Nan đưa các nạn nhân đi viện. “Nhỏ rứa nhưng hắn chở được một tấn rưỡi đó chú. Dù có sóng gió chi cũng khó làm hắn lật. Giá như cứ mươi nhà có 1 chiếc ni thì không lo chi lũ lụt” - ông Lân nói về hiệu quả của chiếc thuyền thúng làm bằng nhựa composite.
Chiếc thuyền thúng làm bằng nhựa composite được đánh giá là hiệu quả nhất trong lũ lụt
Ông Hoàng Công Sự, Phó Chủ tịch Mặt trận xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) cho rằng: Tiền Phong đã vực dậy sự học của một vùng quê. Cũng năm 2010, chứng kiến cảnh đi lại khó khăn của hơn 100 em học sinh sống trên ốc đảo thuộc xã Quảng Minh, Tiền Phong đã kêu gọi các nhà tài trợ đóng con đò khuyến học, trị giá hơn 100 triệu đồng. Từ khi có con đò vững chãi, không còn cảnh học sinh ốc đảo trễ hay nghỉ học mỗi khi mưa to gió lớn. “Học sinh ở đây hết cấp 1 là phải qua sông để đến trường. Ngày xưa các em cứ lên cấp 2 là rơi rụng dần, không mấy em đeo bám được đến cấp 3. Từ khi có con đò khuyến học của báo Tiền Phong, đã vực dậy sự học ở đây, đi lại an toàn, thuận tiện hơn, nhiều em học lên đến cấp 3 và còn vào được cả đại học” - ông Sự nói.
Năm 2016, miền Trung lặp lại lũ chồng lũ, người dân gần như kiệt sức vì thiên tai. Tiền Phong lại một lần nữa ghi dấu ấn, khi trong một thời gian ngắn đã kêu gọi được hơn 10 tỉ tiền mặt và nhu yếu phẩm để cứu trợ vùng lũ lụt. Đã có thời điểm, gần như lãnh đạo cả Ban Biên tập báo, cùng các nhà tài trợ có mặt ở những vùng thiệt hại nặng nhất của miền Trung. Những món quà thông qua báo Tiền Phong đã góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống.
Năm 2016, miền Trung lặp lại lũ chồng lũ, người dân gần như kiệt sức vì thiên tai. Tiền Phong lại một lần nữa ghi dấu ấn, khi trong một thời gian ngắn đã kêu gọi được hơn 10 tỉ tiền mặt và nhu yếu phẩm để cứu trợ vùng lũ lụt. Đã có thời điểm, gần như lãnh đạo cả Ban Biên tập báo, cùng các nhà tài trợ có mặt ở những vùng thiệt hại nặng nhất của miền Trung. Những món quà thông qua báo Tiền Phong đã góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống.