TP - LTS: Năm Thanh niên 2011 đã đi qua nửa chặng đường, lớp lớp bạn trẻ với tinh thần tình nguyện và bầu nhiệt huyết sáng tạo đang ghi dấu ấn bằng những việc làm, công trình cụ thể, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, dựng xây đất nước.
Bài 1: Sáng tạo đột phá
Trồng rau không đất
Trồng rau không cần đất có thể cho năng suất gấp 4-5 lần, tăng trưởng nhanh gấp 2,5 lần và tiết kiệm 70% nước tưới so với trồng rau bình thường. Đây là ý tưởng sáng tạo mang tính đột phá của sinh viên khoa Sinh, ĐH Quốc gia TPHCM nhằm nâng cao sản lượng rau xanh ở quần đảo Trường Sa và được chọn là Công trình Thanh niên năm 2011.
Công trình xuất phát từ cuộc thi Ý tưởng sáng tạo sinh viên do Đoàn trường ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Trong đó đề tài Nâng cao sản lượng rau xanh cho quần đảo Trường Sa của Hoàng Hiểu Phú và Huỳnh Thúy Oanh (khoa Sinh - ĐHQG TPHCM) được đánh giá cao. Phú và Oanh lựa chọn phương pháp khí canh trồng rau trong nhà kính để tiết kiệm nước tưới, chủ động được hàm lượng dinh dưỡng của rau; đồng thời nâng cao chất lượng, năng suất và độ an toàn. Phú chưa đến Trường Sa, nhưng biết các chiến sĩ nơi đảo xa còn thiếu nước sinh hoạt, không có nước để trồng rau.
Thử nghiệm trồng các loại cải xanh,cà chua, khoai tây, rau muống... trong nhà kính bằng phương pháp trên, nhóm nghiên cứu thu kết quả khả quan. Phú và Oanh xác định ở điều kiện nhiều gió như Trường Sa, nếu muốn áp dụng phương pháp này cần có nhà kính để hạn chế gió và sự thất thoát hơi nước.
Để phát triển thành Công trình thanh niên, đề tài này đang được một cán bộ trẻ khoa Sinh - ĐH Quốc gia TPHCM là Phạm Tấn Trường nghiên cứu thêm và cùng triển khai. Tháng 4 vừa qua, Tấn Trường tham gia Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương do T.Ư Đoàn tổ chức đến với Trường Sa để trải nghiệm thực tế và hiện thực hóa ý tưởng. Sau hành trình, Tấn Trường cho biết điều kiện hơi nước, ánh sáng, độ che chắn, sức gió...ở Trường Sa có sự khác biệt lớn so với những nghiên cứu ban đầu. “Ở đất liền, chúng tôi nghĩ Trường Sa rất thiếu nước và xác định mục tiêu nâng cao chất lượng rau cho nơi đây là tìm phương pháp trồng rau tiết kiệm nước. Tuy nhiên, vấn đề không phải là tiết kiệm nước mà là thiếu diện tích trồng”, Tấn Trường nói.
Thu ngân sách qua internet là Công trình thanh niên sáng tạo của ĐVTN Ngân hàng Công thương Việt Nam. Với dịch vụ thu ngân sách Nhà nước qua Vietinbank at Home, ĐVTN Vietinbank giúp cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nhanh chóng, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của khách hàng |
Ở các đảo chìm như Đá Tây, Đá Đông, Đá Lát, Thuyền Chài... không có nhiều diện tích trồng rau. Mùa hè, các chiến sĩ tận dụng nước tắm, nước sinh hoạt để tưới rau. Mùa mưa, Trường Sa vẫn thiếu rau ăn vì mưa to gió lớn, không trồng được rau. Chiến sĩ thường di chuyển các thùng xốp trồng rau theo mùa, lựa theo hướng gió. Tại đảo chìm, đất trồng rau cũng phải chuyển từ đất liền ra.
“Vì không có diện tích, ở đảo chìm, trồng rau ngay trong phòng làm việc hay phòng nghỉ của các chiến sĩ là tốt nhất”. Cũng theo Tấn Trường, để thực hiện theo ý tưởng đó, sẽ trồng rau mô hình nhỏ, trong nhà kính diện tích 1-2m2, đặt cạnh nơi làm việc hay nơi nghỉ của chiến sĩ và dùng ánh sáng đèn chiếu.
Còn ở các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết... diện tích rộng, nhưng mùa mưa vẫn thiếu rau. Để trồng rau, các chiến sĩ phải trồng cây phong ba để chắn gió cho vườn rau. Theo Tấn Trường, có thể áp dụng trồng rau trong nhà kính bằng phương pháp khí canh tại các đảo nổi.
Thuận lợi hơn cho nhóm nghiên cứu khi trong Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đến Trường Sa có 8 doanh nghiệp ủng hộ 400 triệu đồng để xây dựng 8 nhà kính trồng rau trên các đảo.
Bí thư Đoàn trường ĐH Quốc gia TPHCM Phạm Thanh Sơn cho biết, ý tưởng trên nếu đi vào triển khai thực tế sẽ có ý nghĩa xã hội lớn, góp phần giải quyết vấn đề thiếu rau ở Trường Sa.
Công trình van lật của thanh niên Cty CP thủy điện Geruco Sông Côn. |
Sáng tạo tiền tỷ
Công trình van lật của ĐVTN Cty CP thủy điện Geruco Sông Côn (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) mang lại giá trị kinh tế cao. Bí thư Đoàn Cty, anh Phùng Khánh Long cho biết: Van lật đảm bảo an toàn trong mọi trường hợp, đặc biệt không làm ảnh hưởng độ bền, tính ổn định của công trình trong điều kiện xuất hiện lũ lịch sử. Kết cấu van được thiết kế tối ưu về khả năng chịu lực, về trọng lượng, điều khiển tin cậy và đơn giản.
Công trình này giúp sản lượng nước hồ chứa thêm 1 triệu m3/lần, ước tính tần suất sử dụng khoảng 20 lần/năm, sản lượng nước phát điện trong một năm là 20 triệu m3, tương ứng với số giờ phát tăng thêm 195 giờ và tương ứng với sản lượng 12,87KW. Nếu tính thành tiền, Công trình thanh niên này mang lại nguồn lợi 8,4 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra công trình van lật còn giúp sản lượng nước tăng thêm công suất 3MW mỗi năm do tăng 0,5m cột nước. Ước tính doanh thu tăng thêm khoảng 4,08 tỷ đồng.
Các ĐVTN Cty vật liệu chịu lửa Nam Ưng, Tổng Cty Thép Việt Nam đã có nhiều sáng tạo trong sử dụng phế phẩm vào tái sản xuất. Công trình Nghiền phế phẩm để tái sản xuất do ĐVTN thực hiện có giá trị 156 triệu đồng, góp phần tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty, đồng thời tạo thu nhập tăng thêm cho ĐVTN tham gia và là nguồn gây quỹ cho Đoàn. |