Chủ đầu tư dự án tại khu “đất vàng” 28E Trần Phú dính nhiều sai phạm. Ảnh: L.H |
“Đất vàng” ven biển bỏ hoang
Nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất của TP Nha Trang với một mặt giáp đường biển Trần Phú và một mặt hướng ra đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu đất 48 - 48A Trần Phú rộng hơn 3.642 m2 được ví là “đất vàng” ở phố biển này. Nhưng hàng chục năm qua, khu đất này bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm và khuôn viên nhếch nhác. Phần móng công trình sau nhiều năm tích tụ nước mưa đã xanh màu rêu, hóa “ao tù” nuôi muỗi. Bên ngoài khu đất được quây tôn cao khoảng 3 mét, xung quanh gắn chi chít biển quảng cáo gây phản cảm.
Trước đó, vào năm 2003, UBND tỉnh Khánh Hòa giao khu đất này cho doanh nghiệp làm dự án khách sạn, nhưng sau đó dự án bị thu hồi. Đến năm 2008, Công ty in - thương mại - dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn trúng đấu giá với số tiền gần 222 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã lập dự án để xây dựng khách sạn 5 sao mang tên Nha Trang Grand Hotel & Residence, nhưng sau đó bị Bộ Công an điều tra và kê biên khu đất vì có sai phạm. Đến tháng 11/2015, chính quyền thu hồi khu đất này để có kế hoạch cho nhà đầu tư khác, nhưng đã bị bỏ hoang từ đó cho đến nay.
Một khu “đất vàng” nằm ven biển Nha Trang khác bị bỏ hoang 20 năm nay là dự án ở 82 Trần Phú, có diện tích rộng hơn 3.600 m2. Năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa thỏa thuận phương án kiến trúc, quy hoạch với quy mô 18 tầng làm khách sạn. Đến năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch với tên công trình Mỹ Mỹ Plaza với quy mô 38 tầng nổi và 3 tầng hầm. Từ đó đến nay, dự án vẫn là bãi đất trống đầy cỏ dại và nhếch nhác.
Khu “đất vàng” rộng hơn 10 ha nằm ven biển của dự án Nha Trang Sao bị bỏ hoang hơn 4 năm qua. Ảnh: L.H |
Đáng chú ý, khu “đất vàng” ven biển rộng 8.000 m2 của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa (số 70 Trần Phú, TP Nha Trang) cũng đang bị bỏ hoang nhiều năm nay. Cạnh đó không xa, khu “đất vàng” ở 28E Trần Phú, TP Nha Trang rộng hơn 20.000 m2 của phân xưởng cơ điện do Điện lực Khánh Hòa quản lý cũng bị bỏ hoang gần 10 năm. Chủ đầu tư dự án có nhiều sai phạm nên bị Sở Xây dựng Khánh Hòa xử phạt vi phạm hành chính và ngưng thi công nhiều năm nay. Đến tháng 5/2021, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí ở dự án trên để điều tra.
Người dân TP Nha Trang nhiều lần kiến nghị địa phương thu hồi dự án Tổ hợp khách sạn du lịch, căn hộ du lịch, bán và cho thuê Trimet Nha Trang - Bay View Park (gọi tắt Trimet Nha Trang, ở phường Vĩnh Hoà, TP Nha Trang) để làm công viên, khu vui chơi công cộng. Dự án này nằm ở vị trí “đất vàng” ven biển Nha Trang, được giao đất từ năm 2014 đến nay vẫn “án binh bất động”, trong khi đó dự án cũng có nhiều sai phạm trong quá trình giao đất.
Người dân TP Nha Trang đã nhiều lần kiến nghị địa phương thu hồi dự án Trimet Nha Trang (khu khoanh đỏ). Ảnh: L.H |
Khu “đất vàng” rộng hơn 10 ha nằm ven biển Nha Trang bị bỏ hoang trước đây là dự án “Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao” cũng bị bỏ hoang hơn 4 năm qua. Khu đất nằm bên vịnh Nha Trang, gần danh thắng Hòn Đỏ và Hòn Chồng. UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi dự án tại khu đất này vì chủ đầu tư có nhiều sai phạm. Hiện nơi đây gần như trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt vì chưa có dự án gì được triển khai.
Chờ quy hoạch!
Ngoài các lô “đất vàng” dọc bờ biển Nha Trang bỏ hoang, còn có hàng loạt khu đất có diện tích lớn và vị trí đắc địa trung tâm phố biển Nha Trang cũng bị bỏ hoang vì không thực hiện được việc đấu giá quyền sử dụng đất. Do bỏ hoang đã lâu, các khu “đất vàng” đều nằm trong tình trạng cỏ dại mọc um tùm, có nơi trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội, đổ trộm xà bần, rác thải… Theo tìm hiểu của Tiền Phong, đa số các khu đất này đều có diện tích và tiềm năng lớn nhưng chưa được đầu tư. Không chỉ có đất bỏ hoang gây lãng phí, các khu đất này còn có nguy cơ ngốn ngân sách hàng tỷ đồng mỗi năm để thuê bảo vệ.
Phần móng công trình trong khu đất 48, 48A Trần Phú sau nhiều năm tích tụ nước mưa đã xanh màu rêu, hóa “ao tù” nuôi muỗi. Ảnh: L.H |
Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 31 khu trên địa bàn TP Nha Trang. Hầu hết các khu đất này đều đã bỏ hoang từ nhiều năm qua, trong đó có nhiều khu nằm ở các vị trí rất đắc địa, được xem như “đất vàng” đất “kim cương”. Từ năm 2017 trở về trước, Trung tâm đã khai thác cho thuê một số khu “đất vàng” để giảm bớt gánh nặng ngân sách cho tỉnh chi cho việc bảo vệ các khu đất này. Từ năm 2022 trở lại đây, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Trung tâm phải xây dựng kế hoạch khai thác được UBND tỉnh duyệt nên đã dừng việc cho thuê. Nếu không tiếp tục cho thuê mặt bằng nhàn rỗi, mỗi năm ngân sách tỉnh Khánh Hòa phải bỏ ra không dưới 2 tỷ đồng để thuê nhân công bảo vệ.
Người dân TP Nha Trang nhiều lần kiến nghị địa phương thu hồi dự án Tổ hợp khách sạn du lịch, căn hộ du lịch, bán và cho thuê Trimet Nha Trang - Bay View Park (gọi tắt Trimet Nha Trang, ở phường Vĩnh Hoà, TP Nha Trang) để làm công viên, khu vui chơi công cộng. Dự án này nằm ở vị trí “đất vàng” ven biển Nha Trang, được giao đất từ năm 2014 đến nay vẫn “án binh bất động”, trong khi đó dự án cũng có nhiều sai phạm trong quá trình giao đất.
Vào tháng 9/2024 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa đã có báo cáo công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Theo báo cáo này, hiện mới chỉ có 2 thửa đất số 04, 06, tờ bản đồ số 18 ở phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang đã được đấu giá thành công với tổng tiền thu nộp ngân sách hơn 7,9 tỷ đồng. Nhiều lô “đất vàng” khác ở Nha Trang chưa hoặc đã tổ chức đấu giá nhưng không có người mua như: khu đất ký hiệu BV03 - Khu đô thị Mỹ Gia; Khu đất HH3-1 và HH3-2 Khu đô thị Mỹ Gia; một phần thửa đất số 77, tờ bản đồ số 22 (số 9 Trường Sơn); Khu đất Kho cảng Bình Tân (số 1A Phước Long)... Trong khi đó, việc thông báo đấu giá lần 2 chưa được triển khai do chờ UBND TP Nha Trang hoàn thành việc lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Tây TP Nha Trang.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, việc điều chỉnh quy hoạch phân khu không đồng nhất với các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật trước đây đã được phê duyệt và đưa vào phương án đấu giá quyền sử dụng đất dẫn đến công tác đấu giá chậm tiến độ. Việc xác định bước giá thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trước khi được UBND tỉnh quy định phải lấy ý kiến của sở, ngành.
Tuy nhiên, các sở, ngành cũng gặp khó khăn trong việc có ý kiến vì hiện nay Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, cũng như cách thức để xác định bước giá là bao nhiêu phần trăm.