Kỳ thi… “vì học sinh thân yêu”
Trong số những địa phương đã công bố kết quả tốt nghiệp thì phần lớn đều đạt tỉ lệ trên 99% (hệ THPT): Nghệ An, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Bình Định, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Quảng Bình, An Giang, Đồng Nai...
Trong đó, thời điểm này là Bến Tre - 99,67%; tiếp đó là An Giang - 99,64%. Lâm Đồng, Quảng Trị, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Hà Nội… cũng đều trên 98%. Địa phương có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp nhất cho đến nay là Phú Yên- 96,27%.
Theo nhiều nhà giáo, tỉ lệ trên phù hợp với dự đoán của phần lớn các nhà giáo trực tiếp làm công tác giảng dạy. Thầy Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring, Long Biên, Hà Nội nhận xét: “Với kiểu thi như chúng ta đã làm đương nhiên sẽ có kết quả cao. Ở Hà Nội có một trường tỉ lệ đỗ chưa đến 30% nhưng đó là trường hợp cá biệt do đó là một trường tư và tổ chức nhà trường có vấn đề, với lại số học sinh quá ít nên cũng không ảnh hưởng gì tới tỉ lệ chung”.
Thầy Đại phân tích, dẫu không tính đến các yếu tố tiêu cực thì kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cao là điều hoàn toàn dễ hiểu: “Đây là một kỳ thi rất “vì học sinh”. Không chỉ được chọn môn thi sở trường, các em còn được sử dụng kết quả học tập lớp 12 để làm điểm xét tốt nghiệp.
Với một em được điểm tổng kết 6,0, chỉ cần điểm bài thi bình quân 4,0 là đã đỗ ngon lành! Em nào làm bài kém hơn nữa thì có điểm nghề bù thêm vào. Nhiều em còn được điểm ưu tiên, điểm khuyến khích. Một kỳ thi “vì học sinh thân yêu” như thế mà vẫn có em trượt thì những em đó quả là rất được quan tâm!”.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Ba Đình, Hà Nội thì nhận xét: “Đúng như lãnh đạo Bộ GD&ĐT trả lời phỏng vấn báo chí, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không nhằm mục tiêu đánh trượt học sinh.
Nhưng trong bối cảnh dạy và học như hiện nay, con số tỉ lệ đỗ 99% là rất không bình thường và chắc chắn nó sẽ không tác động tích cực ngược trở lại vào quá trình dạy học như Bộ GD&ĐT mong muốn”.
Nên bỏ thi?
Theo GS TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tuy có một số đổi mới nhưng dường như Bộ GD&ĐT hơi vội vã khi đánh giá kỳ thi này sẽ tạo nên những đột phá tác động tích cực ngược trở lại quá trình dạy và học.
Theo GS Lâm Quang Thiệp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay tốn kém mà hiệu quả thấp
“Một số biện pháp vẫn chỉ mang tính đối phó. Chẳng hạn từ việc thí sinh thi sáu môn, giờ bớt đi còn bốn môn, chuyện đó đâu phải là tốt? Thi là phải để làm sao đánh giá được chính xác, còn nhẹ hay không là do cách dạy học, cách ra đề, không cứ bỏ bớt môn cho nhẹ là tốt. Hoặc chấm bài, họ cải tiến không đếm ý để tính điểm nhưng giải pháp để chấm thi chất lượng thì không có, trong khi đó với đề tự luận thì chất lượng chấm ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng kỳ thi”, GS Lâm Quang Thiệp nhận xét.
“Tốn kém không hề ít hơn, áp lực không hề giảm đi, tính phức tạp và rắc rối tăng cao, hiệu suất tổ chức kém. Tỉ lệ tốt nghiệp đương nhiên tăng cao, nhưng lại không đảm bảo tính xác thực và độ tin cậy; Chưa kể, còn phải chờ đến kì thi tuyển sinh sắp tới và trong 3-4 năm nữa để thấy kết quả (hay hậu quả?) tác động của đợt thi tốt nghiệp này với chất lượng đào tạo đại học...”
Nguyễn Tấn Đại
Nghiên cứu sinh, ngành Khoa học Giáo dục, Đại học Strasbourg, Pháp
Theo GS Lâm Quang Thiệp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay tốn kém mà hiệu quả quá thấp.
“Nếu rốt cục đều đỗ hết rồi thì mình cho đỗ hết ngay từ đầu, việc gì phải thi? Muốn thi để kết quả kỳ thi tác động ngược trở lại quá trình dạy học thì kỳ thi phải được thiết kế công phu, theo các tiêu chuẩn của khoa học đánh giá. Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT của chúng ta hiện nay chưa đạt được mục tiêu này”, GS Thiệp nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, dẫu mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải để đánh trượt học sinh nhưng phải góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
“Tỉ lệ đỗ cao, không phản ánh được chất lượng của giáo dục. Thực tế, bên cạnh những học sinh có ý thức tự giác, lo lắng cho việc học vẫn còn một số lượng khá lớn học sinh không tự giác, không lo học.
Băn khoăn lớn nhất của các nhà giáo là học sinh mất động lực học. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao, thi cử rầm rộ mà chẳng loại được mấy ai, 99% em học hết lớp 12 là đỗ tốt nghiệp như thế này không tác động được đến sự cố gắng của học sinh, việc dạy học còn lâu mới đạt tới thực chất”, thầy Lâm bức xúc.
Tuy nhiên, thầy Lâm cho rằng không nhất thiết phải bỏ kỳ thi nhưng không nên duy trì kỳ thi ở cấp độ quốc gia mà có thể giao việc tổ chức cho từng trường. “Giao cho từng trường nhưng vẫn có thể làm nghiêm được bằng cách mà tôi đã từng đề xuất là lắp camera cho tất cả các phòng thi”, thầy Lâm nói.