Quá nhiều bất cập
Cùng với trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài bị lái xe tập trung phản đối, trước đó, có 3 trạm BOT khác bị lái xe phản đối quyết liệt vì cho rằng nơi đặt trạm chưa hợp lý. Tới nay, các trạm này cũng chưa thể hoạt động lại, gồm: BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Tân Đệ (Thái Bình), Mỹ Lộc (Nam Định). Trong số các trạm trên, trạm Tân Đệ sẽ được di dời về đường tránh Đông Hưng (Thái Bình), những trạm còn lại chưa có hồi kết.
Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 26/12, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trong 10 năm trở lại đây, do ngân sách nhà nước khó khăn, vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông thiếu nên phải đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP), trong đó có BOT. Sau thời gian ồ ạt làm đường BOT, nay phát sinh hàng hoạt vấn đề. Những vấn đề phát sinh trong BOT giao thông, đặc biệt khi lái xe phản đối trạm thu phí, do cách làm chưa tốt từ đầu.
Theo đó, gần như toàn bộ dự án BOT giao thông đều được chỉ định thầu với nhà đầu tư, dẫn tới không cạnh tranh, thiếu minh bạch và không loại trừ “lợi ích nhóm”. Từ đó dẫn tới dự án tính mức đầu tư không sát, hầu hết đều tính giá cao hơn thực tế, điều này đã được kiểm toán, thanh tra chỉ rõ. “Các chủ dự án BOT đều tính toán làm đường thu lợi nhuận đầu tư, thu phí, chưa tính tới lợi ích người dân, xã hội”, ông Thịnh nói.
Ông dẫn chứng trạm thu phí Tào Xuyên (sau đó thay bằng trạm Dốc Xây, Thanh Hóa), dù đường tránh TP Thanh Hóa chỉ dài vài kilomet, nhưng trạm thu phí lại đặt trên Quốc lộ 1, thu cả xe không sử dụng đường tránh. Sau đó, khi quyết toán dự án, tính toán lưu lượng xe, trạm thu phí Tào Xuyên mới thu 7 năm đã có lãi, dù hợp đồng ban đầu thu phí lên tới 23 năm. Tương tự, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cũng thu phí để thu hồi vốn cho tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), trạm thu phí cách xa tuyến đường, thậm chí ở 2 địa phương khác nhau. “Như vậy thì vô lý quá. Rõ ràng có vấn đề”, ông Thịnh nói, theo ông đặt trạm thu phí sai vị trí trách nhiệm của Bộ GTVT vẫn là lớn nhất. Theo ông Thịnh, dù có ai quyết, nhưng nếu thấy đặt trạm thu phí không hợp lý, Bộ GTVT phải có ý kiến.
Do đó, chuyên gia trên đề nghị đã tới lúc cần chấn chỉnh lại các trạm thu phí BOT, cả về vị trí, thời gian thu, mức phí đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư, cộng đồng (những người sử dụng tuyến đường) và nhà nước. Theo ông Thịnh, dù hợp đồng đã ký, nhưng luôn có điều khoản chỉnh sửa, đại diện cơ quan nhà nước (Bộ GTVT) phải ngồi với nhà đầu tư tính toán lại.
“Nhà nước sẽ không thể dùng ngân sách để mua lại các trạm BOT bất hợp lý hiện nay, nhưng vẫn còn nhiều cách để khắc phục. Chúng ta có thể dời trạm về đúng đường tránh, sau đó cấm xe đi vào các đô thị, để các xe bắt buộc phải đi đường tránh. Điều này vừa đảm bảo mục tiêu làm đường tránh để hạn chế xe vào đô thị, vừa đảm bảo hiệu quả cho nhà đầu tư. Nếu chúng ta không giải quyết sớm câu chuyện trạm thu phí sai vị trí, những bất ổn từ trạm thu phí sẽ kéo theo những bất ổn khác, mất mát sẽ còn lớn hơn rất nhiều”, ông Thịnh nói.
Bộ từng kiến nghị dời trạm Bắc Thăng Long
Trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận, trong đầu tư BOT đường bộ còn một số tồn tại, hạn chế, như: Chỉ định thầu với hầu hết dự án, quản lý chi phí đầu tư, doanh thu; Vị trí trạm thu phí gây bức xúc cho người sử dụng (dù các trạm thu phí đều được địa phương thống nhất)...
Theo ông Thể, hiện cả nước có 17/88 trạm thu phí BOT đường bộ bất cập về vị trí cần xử lý. Trong số này, có 3 trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án, gồm: Trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa - hiện đã dừng thu); trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh); Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài. Ông Thể cho rằng, do lịch sử để lại, khi tận dụng trạm thu phí cho ngân sách trước đây để thu phí hoàn vốn dự án BOT. Việc tận dụng này giúp tiết kiệm khoảng 30-50 tỷ đồng, và phù hợp với quy định thời kỳ đó. Tuy nhiên, sau khi tính toán lại, hiện trạm thu phí Tào Xuyên đã dừng thu phí do chủ đầu tư đã có lãi. Với trạm Cầu Rác (thu phí tuyến tránh Hà Tĩnh) dự kiến sẽ thu xong vào năm 2019, nên Bộ GTVT đề nghị giữ nguyên.
Riêng với trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (thu phí hoàn vốn Dự án tuyến tránh TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), người đứng đầu Ngành Giao thông cho biết, năm 2014, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng dời trạm về đúng tuyến đường tránh. Sau đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục thu phí tại trạm này đúng hợp đồng ký với nhà đầu tư. Cùng đó, bây giờ người dân đã có lựa chọn đi đường Nhật Tân - Nội Bài. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị giữ nguyên vị trí trạm thu phí này.
Theo Bộ GTVT, hiện có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, trong đó có 58 trạm thu phí cách nhau trên 70km, 10 trạm có khoảng cách 60-70km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60km (theo quy định hiện hành, trạm thu phí cách nhau tối thiểu từ 70km). Ngoài các trạm thu phí có vấn đề về vị trí đặt trạm hoặc phải điều chỉnh, theo Bộ GTVT, có 56 trạm thu phí đặt trên các tuyến quốc lộ hoàn vốn cho dự án cải tạo nâng cấp các quốc lộ, xây dựng các cầu mới. Những trạm này được đánh giá phù hợp, hiện đã miễn, giảm phí phương tiện qua trạm. Ngoài ra, Bộ GTVT đã làm việc với các bên liên quan để: Dừng triển khai 4 dự án BOT đã ký hợp đồng và đang triển khai; Dừng 10 dự án đã phê duyệt đề xuất hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bộ GTVT cho hay, hiện có 6 trạm thu phí BOT đặt trên tuyến chính để thu hồi vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh (trạm: Nam Cầu Giẽ, Bến Thủy, Quán Hàu, Trảng Bom, TP Sóc Trăng, Cai Lậy). Hiện có 5 trạm đã giảm phí và thu ổn định (trừ trạm Cai Lậy đang tìm giải pháp).
Đồng thời, có 6 trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc để thu hồi vốn đầu tư cao tốc (Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình; Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng). Bộ GTVT đang làm việc với nhà đầu tư về các dự án này. Tuy nhiên, nếu bỏ trạm trên quốc lộ (chỉ thu cao tốc), ngân sách sẽ cấp bù khoảng 21.000 tỷ đồng. Điều này, Bộ GTVT đánh giá không khả thi, nên kiến nghị vẫn duy trì các trạm, nhưng miễn, giảm phí.