Đặt máy chủ trong nước có chặn được phát tán bí mật?

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
TPO - “Đặt máy chủ, quản lý thông tin người dùng có thể ngăn phát tán bí mật ở trong nước ra nước ngoài và thông tin độc hại từ nước ngoài vào Việt Nam không, có ngăn chặn được bí mật quốc gia ra nước ngoài không? Tôi trả lời ngay là không. Chúng tôi cũng không đặt vấn đề đó”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Chiều 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật An ninh mạng.

Khoản 4, điều 27 quy định, các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam; đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam khi có từ 10.000 người Việt Nam sử dụng trở lên hoặc khi có yêu cầu của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, quy định về việc đặt máy chủ ở Việt nam hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Các doanh nghiệp thì không muốn vì sợ rườm rà về thuế, còn cơ quan an ninh cho rằng, nếu không quản lý như vậy thì vấn đề an ninh rất đáng lo ngại.

“Lo ngại của cơ quan an ninh là chính đáng, còn lo ngại thủ tục rườm rà của các doanh nghiệp cũng chính đáng”, ông Việt cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, hiện nay dư luận quan tâm đến việc tại sao phải đặt máy chủ ở trong nước. Theo ông, dữ liệu người sử dụng mạng và các dữ liệu quan trọng khác đưa ra ở Việt Nam thì phải được quản lý. Đây là tài sản quốc gia, là vấn đề chủ quyền, liên quan đến an ninh quốc gia nên phải quản lý. Đây là yêu cầu, còn cách thức tổ chức như thế nào là việc sau này.

Theo ông Lâm, vấn đề quan trọng không phải là đặt máy chủ ở đâu, mà chỉ cần quan tâm đến dữ liệu. Các nhà khoa học cũng đã hội thảo và đi đến kết luận đây là bản chất của vấn đề.

Bộ trưởng Tô Lâm nói thêm, tháng 12/2016, Uỷ ban Châu Âu đã buộc các công ty Facebook, Google, Twitter sửa đổi một số vấn đề liên quan đến bảo mật người dùng, nhằm đảm bảo sự riêng tư của người dùng, loại bỏ nội dung bất hợp pháp, lừa đảo.

Các Uỷ ban quản lý các vấn đề liên quan đến truyền thông của Liên minh Châu Âu cũng vừa nhất trí sửa nhiều quy định để kiểm soát nội dung video trên các mạng xã hội. Theo đó các video này sẽ bị kiểm soát nội dung như trên truyền hình.

“Đặt máy chủ, quản lý thông tin người dùng có thể ngăn phát tán bí mật ở trong nước ra nước ngoài và thông tin độc hại từ nước ngoài vào Việt Nam không, có ngăn chặn được bí mật quốc gia ra nước ngoài không? Tôi trả lời ngay là không. Chúng tôi cũng không đặt vấn đề đó”, Bộ trưởng Tô Lâm trả lời trước câu hỏi nêu ra.

Đại diện Cục CNTT (Bộ Quốc phòng) cũng cho rằng, việc bắt buộc đặt máy trong nước hay không không cần thiết, mà quan trọng làm sao chúng ta kiểm soát được tất cả thông tin đi vào, đi ra. Vấn đề này, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng tường lửa quốc gia cùng Bộ Công an quản lý, sau này hoàn toàn có thể kiểm soát được thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, việc đặt máy chủ hay không là việc tranh cãi giữa nhiều phía. Các nhà mạng trong thời buổi an ninh, an toàn thông tin mạng như thế này phải lưu trữ thông tin trong thời gian nhất định để khi có vi phạm pháp luật thì cơ quan điều tra có thể trích xuất từ dữ liệu đó để xử lý.

Còn việc có máy chủ hay không, trong nghị định 72 trước đây đã có quy định, yêu cầu đặt máy chủ, nhưng chuyện này chưa thành tiền lệ trên thế giới nên còn tranh cãi. “Nếu quy định gây tranh cãi lớn thì có thể điều chỉnh”, ông Hưng nêu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, phải nghiên cứu làm sao để Việt Nam không bị quy vào danh sách các nước cấm đoán internet, không cho nhân dân tiếp cận thông tin. Chính vì vậy, bà Ngân đề nghị xem lại khoản 4, điều 27, để luật đồng nhất với các cam kết thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.