Nhiều tài liệu Tuyệt mật, Tối mật bị lộ, mất

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh Như Ý
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh Như Ý
TPO - Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, thống kê cho thấy, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước, trong đó có nhiều tài liệu thuộc danh mục "Tuyệt mật", "Tối mật".

Chiều 25/10, báo cáo Quốc hội về Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước, trong đó có nhiều tài liệu thuộc danh mục "Tuyệt mật", "Tối mật" liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.

Theo Thượng tướng Tô Lâm, hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu qua thông tin, liên lạc, báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ. Các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe, việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động…

Kế thừa quy định của Pháp lệnh, dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Tuy nhiên, để việc xác lập danh mục bí mật nhà nước được bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất, dự thảo quy định tiêu chí phân loại bí mật nhà nước theo hướng kết hợp giữa lĩnh vực và hậu quả nếu bí mật nhà nước bị lộ, mất.

Theo quy định hiện hành, việc xác định và lập danh mục bí mật nhà nước căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, việc xác định “khung” cấp độ mật gây khó khăn, bất cập trong xây dựng danh mục bí mật nhà nước do các “khung” đó chưa đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong từng giai đoạn. Khắc phục nhược điểm trên, dự thảo Luật quy định phạm vi bí mật nhà nước theo hướng khái quát, không chia phạm vi bí mật nhà nước theo từng cấp độ mật.

Nhằm bảo đảm tính khả thi, thống nhất chủ thể được giao lập danh mục bí mật nhà nước, dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định chủ thể lập danh mục bí mật nhà nước, gồm: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội (khoản 3).

Theo Bộ trưởng Công an, so với Pháp lệnh, dự thảo quy định thu hẹp đối tượng không phải lập danh mục bí mật nhà nước là Trưởng các ban của Đảng, người đứng đầu các tổ chức xã hội cấp trung ương.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tạo ra. Tuy nhiên, trên thực tế, danh mục bí mật nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực bao gồm cả những tài liệu của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam.

Vì vậy, để có cơ sở quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước trong các hoạt động hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin, đề nghị nghiên cứu bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với những thông tin bí mật do cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam theo các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia.

MỚI - NÓNG