Đất bãi sông Hồng qua Hà Nội: Sẽ đấu giá cho thuê?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi xử lý, cưỡng chế các vi phạm đổ phế thải xây dựng, bóp nghẽn dòng chảy sông Hồng, quận Tây Hồ đang thực hiện rà soát, đấu giá quyền thuê đất để ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Đất bãi sông Hồng qua Hà Nội: Sẽ đấu giá cho thuê? ảnh 1
UBND quận Tây Hồ làm các mố bê tông như biện pháp tạm thời chống xe tải ra vào đổ thải

Thời gian qua, báo Tiền Phong đã có hàng loạt phản ánh liên quan đến tình trạng hàng chục ha đất bãi bồi sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ bị lấn chiếm, đổ phế thải xây dựng, sử dụng sai mục đích. Nhiều khu vực phế thải xây dựng đổ cao đến 7,8m như cuối ngõ 124 Âu Cơ (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ); một số lạch sâu vốn là hành lang thoát lũ sông Hồng cũng bị san lấp...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du, địa bàn quận Tây Hồ là một trong những trọng điểm của thành phố về vi phạm pháp luật đê điều những năm gần đây. Cả 4 phường có sông Hồng đi qua là Phú Thượng, Yên Phụ, Nhật Tân, Tứ Liên đều có những điểm nổi cộm về trật tự xây dựng, đổ thải, lấn chiếm dòng sông trái phép. “Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật đê điều, phòng chống thiên tai mà còn trực tiếp cản trở dòng chảy sông Hồng, đe dọa an toàn tuyến đê cấp đặc biệt bảo vệ Thủ đô”, ông Du chia sẻ.

Đấu giá đất để quản lý

Trước thực trạng trên, ông Công Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay phường đã tổ chức xử lý hàng loạt vi phạm tại các khu vực ngõ 464 Âu Cơ; phế thải xây dựng tại khu vực Km 59+420; 600; 700 đã được xúc hết hoàn trả hiện trạng. Các khu vực Bãi đá sông Hồng, Vườn táo cổ đều đã thực hiện khơi thông lòng lạch sông với tổng khối lượng hơn 1.000m3.

Ông Tuấn cho biết thêm, để giải quyết triệt để việc đổ phế thải xây dựng ra sông Hồng, cách tốt nhất là giao người dân vừa sản xuất vừa quản lý. Cụ thể, phường đã hoàn thiện phương án đấu giá cho thuê đất sản xuất nông nghiệp tại 2 khu vực cuối ngõ 464 và 264 Âu Cơ (tổng diện tích khoảng 8ha) trình các phòng chuyên môn của quận thẩm định. Mục tiêu của việc cho thuê là sản xuất nông nghiệp, gắn với làng nghề truyền thống trồng đào Nhật Tân, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế cho người dân và tăng ngân sách địa phương. Với vị trí ven sông, các khu đất làm nông nghiệp vừa có thể kết hợp du lịch, trải nghiệm nông nghiệp, sân chơi cho thanh thiếu niên. “Quan trọng nhất, khi người dân thuê đất họ có trách nhiệm đảm bảo tài sản trên đất, chống lấn chiếm. Nếu có sai phạm có thể chấm dứt hợp đồng”, đại diện phường khẳng định.

Tại phường Tứ Liên, khu vực cuối ngõ 310 Nghi Tàm, cơ quan chức năng đã phá dỡ 11 công trình tạm với tổng diện tích 395m2; dỡ bỏ 10 cổng sắt, 121m hàng rào làm bằng tôn, thanh thải 200m3 đất đổ trộm ra khỏi lòng sông. Phường cũng đã dựng mố bê tông ngăn phương tiện đổ trộm đất thải, phế thải vào lòng sông, bãi sông... Được biết, phường Tứ Liên đang xây dựng 2 phương án đấu giá cho thuê đất sản xuất nông nghiệp tại khu vực đất bãi của phường. Còn tại phường Yên Phụ cho thấy, UBND phường cũng đang rốt ráo xử lý các điểm vi phạm để có đất sạch thực hiện các phương án đấu giá đất bãi.

Từ năm 2018, UBND phường Nhật Tân đã tổ chức đấu giá cho thuê đất tại khu vực bãi đá sông Hồng để sản xuất nông nghiệp, trồng cây và hoa màu vụ… Hiện khu vực này đã trở thành khu vực trồng hoa đẹp được giới trẻ lựa chọn là điểm đến thường xuyên. Đại diện UBND phường Nhật Tân kỳ vọng sau khi đấu giá 2 khu vực ngoài bãi sông Hồng, đây cũng sẽ thành sân chơi mới cho giới trẻ Thủ đô.

Theo thống kê của quận Tây Hồ, trong quý I/2023, UBND quận đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tháo dỡ 1.282 m hàng rào tôn; phá dỡ 31 công trình với tổng diện tích 1.051 m2; tháo dỡ 13 cổng sắt… UBND quận Tây Hồ đã xử lý dỡ bỏ tại chỗ 61 lượt trường hợp xây dựng vi phạm đê điều, đất đai tồn đọng hoặc mới phát sinh có quy mô nhà tạm, móng gạch, tường bao trên đất công, đất nông nghiệp, đất bãi sông…

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, tại khu vực bãi sông Hồng, mật độ dân cư thấp, thường xuyên xuất hiện tình trạng đổ trộm đất, phế thải xuống lòng sông, đặc biệt là ban đêm. Ông Tịnh cho biết, thời gian qua quận chỉ đạo các phường có đất bãi sông lập chốt, bố trí lực lượng tại các cửa khẩu, tăng tuần tra để ngăn chặn, xử lý nghiêm phương tiện vận chuyển đất thải, phế thải xây dựng đổ xuống lòng sông, bãi sông. Đồng thời thu hồi diện tích bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật...

Lãnh đạo quận Tây Hồ khẳng định: Việc tổ chức đấu giá cho thuê đất với mục đích sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng đổ trộm đất, phế thải xuống lòng sông Hồng, Nhà nước cũng có thêm nguồn thu từ việc đấu giá cho thuê đất. Ngoài ra, việc tổ chức đấu giá cho thuê đất sản xuất nông nghiệp, trồng đào, quất và hoa theo mùa vụ sẽ tạo điều kiện để Tây Hồ sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng quận thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.