Đập thủy điện sông Mekong đe dọa Luang Prabang

Đoạn sông Mekong chảy qua Luang Prabang ảnh: The Diplomat
Đoạn sông Mekong chảy qua Luang Prabang ảnh: The Diplomat
TP - Một nhà địa chất hàng đầu Thái Lan cảnh báo rằng, một con đập mới khổng lồ đang được đề xuất xây dựng tại khu vực dễ xảy ra động đất ở phía bắc Lào có nguy cơ cao gây nguy hiểm cho thành phố di sản UNESCO - Luang Prabang.

Theo bài trên Asia Sentinel, con đập công suất 1410 megawatt, lớn nhất ở Lào, đang được tập đoàn CH Karnchang Plc Thái Lan nghiên cứu xây dựng trên sông Mekong, chỉ cách Luang Prabang 25km về phía thượng nguồn. Nó nằm gần một đường đứt gãy động đất đang hoạt động chỉ cách đó 8,6 km.

Cảnh báo dựa trên nghiên cứu thực địa của chuyên gia động đất Punya Churasiri, giáo sư địa chất học tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, người trong một cuộc phỏng vấn gần đây nói rằng: đập Luang Prabang có nguy cơ rủi ro cao.

Punya, một nhà địa chấn học có kinh nghiệm nghiên cứu thực địa đáng kể ở miền bắc Lào, rất quan ngại về vấn đề này.“Chúng tôi lo lắng về những gì có thể xảy ra và khả năng thiệt hại đối với di sản thế giới (Luang Prabang)”.

Theo bài báo, trọng lượng của các đập lớn thường gây ra động đất ở những nơi ổn định hơn nhiều. Một trận động đất 6,1 độ richter đã tấn công tỉnh Xayaburi ở miền bắc Lào vào tháng 11 năm ngoái, một lời nhắc nhở rằng các cảnh báo của nhà khoa học cần phải được thực hiện nghiêm túc. Trận động đất thậm chí còn làm rung chuyển các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội xa xôi.

Mặc dù đập Xayaburi, đập đầu tiên hoàn thành ở hạ lưu sông Mekong, vô sự, ông Punya cảnh báo rằng nó đã khá may mắn. “Trận động đất đó có thể tồi tệ hơn nhiều vì có một số đứt gãy đang hoạt động gần con đập đó”.

Đập Xayaburi, cũng do CH. Karnchang xây dựng, được tài trợ bởi bốn ngân hàng lớn nhất Thái Lan. Năm 2011, như Asia Sentinel đã đưa tin, dự án đã bị các cộng đồng ven sông, tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học ở Campuchia, Thái Lan và Việt Nam phản đối mạnh mẽ.

Con đập đi vào hoạt động vào tháng 10 năm ngoái, chỉ vài tuần trước trận động đất. Công ty CH. Karnchang được nói là đang hợp tác với công ty điện lực Luang Prabang để xây dựng đập thứ ba ở thượng nguồn với thiết kế và cấu trúc gần như tương tự.

Trong quá trình xây dựng các con đập trên khắp đất nước, chính phủ Lào đã vạch ra 72 dự án thủy điện quy mô lớn mới và nhiều dự án nhỏ hơn. Tuy nhiên, nhiều tổ chức môi trường nói rằng lợi ích từ xây đập thủy điện trên sông Mekong là quá ít so với những thiệt hại đối với nghề cá, an ninh lương thực và nông nghiệp, tác động tiêu cực đến 70 triệu người sống trong lưu vực sông Mekong.

Các nhà chỉ trích cho rằng việc xây dựng những con đập lớn luôn có rủi ro, thậm chí khu vực xây dựng không nằm trong khu vực động đất. Vụ sập đập lớn ở tỉnh Attapeu năm 2018 khiến 14.440 người dân chịu thiệt hại, 71 người chết.

Trước đó, hồi tháng 3, liên quan đến thông tin Lào sẽ khởi công xây dựng đập thủy điện Luang Prabang, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mekong cần bảo đảm không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới, đến môi trường, đến đời sống kinh tế- xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn, theo đúng thông lệ quốc tế và quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Ngày 30/6, ba nước thành viên Ủy hội sông Mekong (MRC) gồm Campuchia, Thái Lan và Việt Nam yêu cầu Lào thực hiện đánh giá nghiêm ngặt tác động xuyên biên giới của thủy điện Luang Prabang, tăng cường các biện pháp giảm nhẹ tác hại tiềm ẩn của dự án, MRC cho biết trong thông cáo ngày 1/7.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.