Đập gương xưa tìm bóng!

Đập gương xưa tìm bóng!
TP - Đoàn Chuẩn - tác giả những ca khúc nổi tiếng về tình yêu đôi lứa và mùa thu Hà Nội ra đi đã 10 năm (15-11-2001 - 15-11-2011). Còn nhiều chuyện ít người biết về ông.

> Đi theo cách mạng
> Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và thương hiệu nước mắm Vạn Vân

Vợ chồng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và con gái Ảnh tư liệu gia đình
Vợ chồng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và con gái.
Ảnh tư liệu gia đình.

Ai đã biết đến cái tên Đoàn Chuẩn, đã một lần nghe nhạc của ông, hẳn không thể quên tà áo xanh và mùa thu. “Với bao tà áo xanh đây mùa thu…” trong Gửi gió cho mây ngàn bay; “Tà áo xanh nào về với giấc mơ. Màu áo xanh là màu anh trót yêu…” trong Thu quyến rũ. Có hẳn một bài tên là Tà áo xanh.

Tà áo xanh và mùa thu càng đẹp hơn trong mắt người đang yêu khi nó được nhạc sĩ tài hoa đưa vào những giai điệu trữ tình say đắm, có điều gì man mác buồn. Hóa ra “người mơ không đến bao giờ” có khi chỉ là chút thoảng qua, cũng có khi là một chút tưởng tượng bay bổng trong tâm hồn nghệ sĩ lãng tử.

Đoàn Chuẩn cũng từng thể hiện tình yêu dành cho màu áo tím, dù chỉ duy nhất trong một bài khá đặc sắc Đường về Việt Bắc: “Chiều nào áo tím, nhiều quá, lòng thấy rộn ràng nhớ người… Qua bao đồi núi anh về đây, nhớ nhau từng phút mong từng giây. Đường về Việt Bắc xa cách mây… tà áo tím…”. Đó là mùa thu năm 1948 thời gian gia đình Đoàn Chuẩn tản cư trên Việt Bắc. Ông viết ca khúc dành tặng người vợ thân yêu khi trên đường tới thăm vợ và các con.

Bà Đoàn Chuẩn đã mất năm 2007. Ngày 16-11 này, gia đình đưa mộ bà về cạnh mộ ông đặt ở Như Quỳnh, Hưng Yên - nghệ sĩ Đoàn Đính, con trai ông bà cho biết.

Trong những giai thoại về Đoàn Chuẩn, có câu chuyện về một bóng hồng ở Sài thành, rằng để được đáp lại, nhạc sĩ đều đặn mỗi tuần gửi một bông hồng tới cô. Đến bông thứ 1.000 thì nàng xiêu lòng. Đoàn Đính bảo: “Làm gì có chuyện đó, giả sử có thì cũng chỉ gửi được vài ba lần thôi chứ”. Tuy vậy, giai thoại sẽ mãi là giai thoại và vẫn sống.

Cách sáng tác của Đoàn Chuẩn cũng đầy chất lãng tử. Trong số tác phẩm, Đoàn Chuẩn có một tập ca khúc gồm 4 bài đặt tên là: Bài ca bị xé. Nghệ sĩ Đoàn Đính chia sẻ: Cụ đặt tên như vậy là vì mỗi ca khúc trong tập này chỉ dành tặng cho một ca sĩ và chỉ in duy nhất một lần rồi không in nữa.

Có thể Đoàn Chuẩn đã “xé” được những tập ca khúc được in trên giấy nhưng ông không thể xóa được những giai điệu cứ ngân nga trong lòng người yêu nhạc. NSƯT Đức Long cho rằng Đoàn Chuẩn còn là người sử dụng ca từ rất độc đáo, càng nghe nhiều càng thấy thú vị.

Trong ca khúc Lá thư có câu: “Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng: chờ đến kiếp nào…”. Sao không “cầm giấy” hay “cầm bút” (như một số ca sĩ tự ý sửa lời) mà lại là “lòng giấy”? Bởi cái tờ giấy viết lên những tâm tư ấy bây giờ không đơn thuần chỉ là tờ giấy nữa mà nó còn chứa cả một tấm lòng đầy tâm trạng của người viết.

Dòng đời cứ vun vút trôi đi, cho đến một lúc nào đó chợt nhớ lại một kỷ niệm xưa, chợt tìm về chốn cũ, một mình dạo bước trên con “đường xưa” bỗng đâu gây lại “hương yêu”, cuốn tâm hồn ta vào với những ngày thơ mộng đã qua: “Đường xưa gây hương yêu màu nhớ” (Chuyển bến).

Đoàn Chuẩn còn viết: “Một lớp tro tàn phủ ái ân” (Chuyển bến). Tro tàn thì phủ được cái gì, chỉ cơn gió thoảng qua là đã bay sạch, phủ che sao được ái ân, được cả một ân tình, tấm lòng và cả một khoảng trời kỷ niệm?! Vẫn là kỷ niệm, những con người của một thời xa xưa có thể đã lâu lắm rồi không tái ngộ, nhưng xa nhau không có nghĩa là đã quên nhau bởi hình bóng ấy cứ mãi ở trong tâm hồn.

Chợt một ngày thảng thốt phải làm sao để tìm thấy bóng dáng người xưa, rồi cũng chẳng cần tìm đâu xa mà ngay chính trong gương: “Đập gương xưa tìm bóng”. Có phải thế chăng hay ở phía sau của tấm gương kia lại là câu chuyện tình Tư Mã - Tương Như nổi tiếng cả nghìn năm nay (?).

Với người yêu nhạc, ca khúc chính là “tấm gương” của Đoàn Chuẩn. Muốn tìm gặp bóng hình hay tâm hồn nhạc sĩ tài hoa, hãy soi vào những nhạc phẩm ấy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.