Theo báo cáo đánh giá triển khai thực hiện Đề án 911, tính đến năm 2016, số lượng giảng viên đăng ký đào tạo ở trong nước trúng tuyển và nhập học là 2.050 nghiên cứu sinh (NCS) /5.831 chỉ tiêu được giao, đạt 35,16 %. Sau một thời gian triển khai thực hiện đào tạo trong nước, Đề án đã có 233 NCS tốt nghiệp, 226 NCS về giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu.
Với phương thức đào tạo phối hợp, năm 2013, các cơ sở đào tạo mới bắt đầu tuyển sinh, tính đến tháng 12/2015 mới tuyển được 30 NCS đạt 3,3% so với kế hoạch trung bình các năm. Đến năm 2016, số lượng rút xuống còn 27 người và hiện tại, số NCS bỏ học đã tăng 23 người. Do đó số NCS hiện đang theo học chỉ còn 4 người. Mới chỉ có duy nhất có 01 người đã hoàn thành thời gian đào tạo trong nước, đang làm luận án tại trường Đại học Grenoble, Pháp.
Là một trong những cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ thực hiện đề án này trong nước, ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, theo đề án này ĐH Bách khoa Hà Nội được đào tạo là 600 chỉ tiêu. Tuy nhiên, đến 2017 mới tuyển được 300 NCS. Trong đó, có 10 NCS đã chuyển sang học bổng khác hoặc không theo học nữa. Như vậy, chỉ tiêu mới đạt 46%. Trong khi đó, theo Kiểm toán nhà nước đánh giá thì trường ĐH Bách khoa Hà Nội đạt tỷ lệ tuyển sinh cao nhất.
Như vậy, việc Đề án 911 không đạt chỉ tiêu đặt ra là điều chắc chắn. Còn về chất lượng, PGS.Trần Văn Tớp cho rằng mục tiêu của Đề án 911 chủ yếu là gửi đi đào tạo nước ngoài. Kể cả các đề án trước đây, chúng ta cũng chỉ gửi đi đào tạo ở một số nước nên có thể tin tưởng chất lượng đào tạo. Số ở trong nước, với quy chế đào tạo tiến sĩ mới yêu cầu rất cao về chất lượng đào tạo, trong đó đầu tiên là chất lượng đầu vào. Như vậy, số ứng viên có đủ điều kiện để thành nghiên cứu sinh vào năm 2018 là không nhiều.
Nhiều người bỏ vì học bổng NCS quá thấp
Lý giải việc Đề án 911 không đạt được chỉ tiêu đề ra cũng như những vấn đề cần rút kinh nghiệm cho đề án tiếp theo, PGS. Trần Văn Tớp cho biết có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là học bổng thấp. Với đề án 911, những NCS đào tạo trong nước được cấp học bổng rất ít, chỉ 14 triệu đồng/năm. Với số tiền này, đôi khi nghiên cứu sinh của trường đăng ký một hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại Việt Nam cũng chỉ đủ tiền ghi danh cho bài báo, còn tham gia như nào, đi lại như nào quả thực là một vấn đề.
Còn với đào tạo ở nước ngoài, học bổng của các nước hấp dẫn hơn đề án 911, lại không có ràng buộc khắt khe nên các ứng viên không mặn mà với học bổng của đề án. PGS. Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho rằng không nên đào tạo tiến sĩ trong nước. Vì cơ sở vật chất, trình độ đào tạo trong nước không thể bằng nước ngoài. Cũng theo PGS. Đỗ Văn Dũng, sở dĩ Đề án 911 gặp khó khăn trong tuyển sinh đó là kinh phí đưa NCS ra nước ngoài thấp. Trong khi đó, những người có năng lực, cơ bản họ có thể xin được học bổng cao hơn.
Thứ hai là ràng buộc quay về nước làm việc nhưng thu nhập lại rất thấp. Lương tiến sĩ ở các trường ĐH mới về chỉ dao động quanh mốc 5 triệu đồng. Nếu họ ở lại làm sau tiến sĩ tại các nước khác thì lương của họ cũng phải từ 4.000 USD đến 5.000 USD. Do đó, PGS. Đỗ Văn Dũng cho rằng con số 14.000 tỷ để đào tạo 9.000 tiến sĩ ở các nước tiên tiến không thấm vào đâu. Nếu đào tạo tiến sĩ ở các nước tiên tiến, mỗi năm một tiến sĩ hết 40.000 – 50.000 USD. 4 năm là 200.000 USD/ tiến sĩ. Tương đương 4 tỷ. Do đó, 14.000 tỷ chỉ đào tạo được 3.500 tiến sĩ. Để đào tạo được 9.000 tiến sĩ, số tiền phải gấp gần 3 lần con số 14.000 tỷ đồng.
Đã đến lúc đầu tư cho máy cái
Trong khi đó, ông Phạm Hùng Hiệp, NCS tại ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan cho rằng để giải quyết bài toán thu hút tiến sĩ trở về một cách bền vững thì không thể nằm trong một đề án. Có thể trích một phần kinh phí của đề án, hỗ trợ cho những tiến sĩ trở về trong vòng 3 năm để họ yên tâm. Sau đó phải dùng cơ chế khác. “Tôi nghĩ Việt Nam đã đến lúc đầu tư cho bộ máy cái. Nhìn vào bối cảnh của Việt Nam 10 năm trước, lúc đó là đề án 322, các máy cái thiếu tiến sĩ, thiếu giảng viên trình độ cao nên mới phải cử đi” – ông Hiệp cho hay.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng có một thực tế, không cần phải cử đi đã có một lực lượng lớn tiến sĩ quay về. “Theo quan sát của tôi là đã có nhiều nhà khoa học trở về, trình độ tương đương phó giáo sư quốc tế. Những người này cơ bản đang là những máy cái. Nếu họ được đầu tư đúng mức cho thu nhập, cho nghiên cứu, cho những người hỗ trợ họ (chính là các NCS) thì tính đột phá sẽ cao” – ông Hiệp nhấn mạnh.
Ông Hiệp đưa ra minh chứng là năng suất công bố quốc tế của Việt Nam tăng nhanh trong vòng 10 năm qua. “Số liệu mà tôi có được thì năm 2016, trung bình 4 tiến sĩ có 1 bài công bố quốc tế/năm. Con số này cách đây khoảng 10 năm là 10 người có 1 bài, 15 năm là 30 người có 1 bài” – ông Phạm Hùng Hiệp nêu ví dụ.
Do đó, theo ông Hiệp, nếu cách đây 10 năm, mục tiêu là cử đi đào tạo thì hiện nay, việc hút người, giữ người cũng cần được xem là một mục tiêu quan trọng như cử đi. “Tôi cho rằng việc cử đi vẫn quan trọng. Vì hiện nay, tỷ lệ tiến sĩ/giảng viên vẫn thấp và năng lực đào tạo tại chỗ chỉ một phần, không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên cũng cần cân bằng cả hai hình thức. Vì hiện nay tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ trong nước đã nâng lên. Còn cử đi nước ngoài có thể là những ngành đặc thù hoặc một số ngành Việt Nam rất cần nhưng chất lượng đào tạo trong nước chưa đảm bảo” ông Hiệp đề xuất. Cũng theo ông Hiệp, học bổng đào tạo trong nước theo 911 quá thấp. 1 năm đào tạo trong nước chưa bằng một tháng học phí ăn ở của NCS đi nước ngoài. Chính sách cần thay đổi theo hướng hai cao: yêu cầu cao và hỗ trợ cao. Hỗ trợ làm sao để thu nhập của NCS là 10 – 12 triệu/tháng để họ yên tâm nghiên cứu.
“Mức lương của các NCS phải tương đương với thu nhập của một giảng viên trẻ. Có như thế họ mới chuyên tâm nghiên cứu, không biến thành thợ dạy để kiếm sống”.
Ông Phạm Hùng Hiệp, NCS tại ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan