Còn đôi ba ngày nữa là Tết Nguyên đán song khắp nẻo đường Hà Nội, những chuyến xe chở các loại cây cảnh như đào, quất, mai... vẫn tấp nập đổ về. Trời rét đậm, song không khí mua bán tại các con phố Lạc Long Quân, Hoàng Hoa Thám, Nghi Tàm, chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ)… vẫn nhộn nhịp giữa những cành đào, cây quất được mùa.
Người dân ở các vùng ven Hà Nội như Mê Linh, Hoài Đức, Văn Giang (Hưng Yên)… từ lâu vẫn chở đào, quất về Hà Nội sớm để tiêu thụ. Nhờ ưu thế về giá, những sản phẩm này đang cạnh tranh mạnh với thương hiệu đào Nhật Tân, quất Tứ Liên của thủ đô.
Anh Nguyễn Văn Tân - chủ vườn đào đến từ huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết đã chở cây về Hà Nội bán từ ngày 15 tháng Chạp và bán được hơn 300 cành. "Năm nay đào được mùa. So với Nhật Tân, đào Mê Linh rẻ hơn nhiều, chủ yếu là các cây nhỏ, hợp với túi tiền của người dân”, anh Tân nói. Theo đó, giá bán năm nay không biến động nhiều, chỉ dao động từ 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng tuỳ loại (chậu hay cành).
Còn anh Huân - một chủ vườn đào tại làng Nhật Tân (quận Tây Hồ) cho biết do thời tiết thuận lợi, đào đẹp nên gia đình đã bán hết sạch những gốc ưa nhìn. "Đào đẹp thì không cần mang ra phố bán làm gì vì khách sẽ tìm đến tận vườn chọn mua. Những cây đem ra phố chủ yếu là cây nhỏ, bán rẻ cho người dân chơi Tết. Đào Nhật Tân đã thành thương hiệu rồi, giá đắt hơn nhưng vẫn rất được ưa chuộng”, anh Huân nói.
Dọc tuyến đường Lạc Long Quân, hàng trăm chủ vườn đào, quất đã bày bán từ 2 tuần nay. Đào cây, đào cành và những gốc đào cổ thụ được xếp ngay ngắn trên vỉa hè cho người mua lựa chọn. Chợ hoa Quảng Bá cũng nhộn nhịp không khí mua bán. Sản phẩm ở đây chủ yếu là những cành đào nhỏ được cắt tỉa...
Ghi nhận giá đào trên các tuyến phố này dao dộng từ 200.000 đồng đến 10 triệu đồng. Đào từ các vùng ven có giá rẻ hơn so với thương hiệu Nhật Tân, giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng. Trong khi đó, đào Nhật Tân có gốc bán được giá 60-70 triệu đồng, còn phổ biến ở mức 2-10 triệu đồng tuỳ kích thước.
Giống như vài năm trở lại đây, thị trường đào năm nay còn ghi nhận đào rừng từ vùng Sơn La, Điện Biên với đặc điểm cành to, hoa nhạt và giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng. Đào xuất xứ từ Trung Quốc cũng len lỏi vào phân khúc giá rẻ, dao động khoảng 150.000-300.000 đồng, chủ yếu là cành nhỏ để trưng trên bàn.
Hầu hết cây của nhà vườn Hà Nội đều đã có chủ. Ảnh: Giang Huy
Với thị trường quất, giá cả không có nhiều biến động do năm nay thời tiết thuận lợi, người trồng quất được mùa. Hiện ở Hà Nội đang có quất từ Tứ Liên, Hoài Đức, Mê Linh và huyện Văn Giang (Hưng Yên). Một vài chủ vườn quất từ Tứ Liên cho biết năm nay, quả chín đúng dịp Tết, hợp nhãn khách hàng nên dễ bán. Hiện những cây lớn đã có khách đặt mua, giá dao động 3-20 triệu đồng. Chỉ một số cây nhỏ còn lại được đem ra vỉa hè bán trong những ngày cận Tết.
Hình thức kém "long lanh" hơn một chút, không có dáng thế, đào quất từ Hoài Đức, Văn Giang có giá phổ biến từ 500.000 đồng-1 triệu đồng. Tuy nhiên, chính vì giá rẻ hơn các loại quất này lại đang được tiêu thụ với số lượng lớn.
Bà Bích - một chủ cửa hàng bán quất cảnh trên phố Lạc Long Quân thừa nhận quất từ các nơi đang chiếm ưu thế trên thị trường Hà Nội vì hướng đến các khách hàng bình dân. Mới mang cay ra bán được 5 ngày, gia đình bà Bích đã tiêu thụ được khoảng 150 gốc.
"Không phải nhà nào cũng có đủ không gian, tiền bạc để trưng quất to, đẹp nên loại quất tầm vừa tiền từ các vùng ven lại bán chạy nhất. Quất Tứ Liên dáng thế đẹp, quả to, lá xanh tuy nhiên không thể cung cấp đủ số lượng cho thị trường Hà Nội nên chúng tôi mới không ngại đường xa vận chuyển”, bà Bích nói.
Ngoài ra, một vài loại cây cảnh mới đang được người Hà Nội ưa chuộng trưng Tết là cây ngũ quả, cây cam canh, mai vàng…cũng được bày bán phổ biến trên phố. Giá của của các loại cây này dao động khoảng 2-10 triệu đồng.