Câu chuyện hy hữu nhưng vô cùng đau lòng này vừa xảy ra tại thôn Bù La, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước. Đến nay, dư luận ở xã Bù Gia Mập vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc. Những người trong cuộc thì thêm buồn đau vì niềm tin mù quáng này.
Câu chuyện đắng lòng, có một không hai
Ông Điểu Khon, Trưởng thôn Bù La và là anh trai cả của ông Điểu Chên thừa nhận sự việc: Sáng ngày 7/3, ông Điểu Chên (51 tuổi), ngụ thôn Đắk Á đi lượm điều trong rẫy. Đến giờ nghỉ giải lao, ông Chên ăn 2 ổ bánh mì. Sau khi uống nước thì ông bị sốt cao, rồi nôn mửa và ngất lịm tại chỗ.
Nhận được thông tin, ông Khon cùng người nhà đã đến nơi và đưa ông Chên đi cấp cứu tại trạm y tế xã. Sau đó ông Chên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa thị xã Phước Long rồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng không qua khỏi. Được biết, trước đó ông Chên có tiền sử bị bệnh huyết áp cao từ nhiều năm.
Trưởng thôn Điểu Sang (trái) cùng Điểu Khon trao đổi với phóng viên
Sau khi bệnh nhân tử vong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã dùng ôtô chở thi thể ông Chên về quê nội ở thôn Bù La để gia đình tổ chức mai táng.
Đến ngày 9/3, gia đình đã đưa linh cữu ông Chên đi an táng tại nghĩa địa thôn Bù La. Phần mộ ông Chên sau đó được con cháu xây cẩn thận bằng xi măng và ốp gạch men.
Tưởng chừng con cháu phụng lập mồ yên, mả đẹp sẽ giúp vong linh người quá cố được thanh thản và an giấc nơi chín suối. Nhưng thật trớ trêu, một tuần sau đó có người phao tin rằng: Khi đi qua gần khu nghĩa địa có nghe tiếng ầm ầm dưới chân và tiếp đó là tiếng kêu: Cứu tôi với... cứu tôi với... vọng lên từ lòng đất nơi phần mộ của ông Chên.
Cũng từ đó, hệ thống “đài truyền miệng” được lan truyền khắp các thôn Bù La, Đắk Á, Bù Rên... với nội dung: “Ông Chên bị cám dỗ nên mới chỉ nhắm mắt vậy thôi” và “chắc ông Chên còn sống nên mới kêu cứu”, hoặc “ông Chên chỉ nhắm mắt xem thử con cháu có quan tâm tới mình hay không”...
Những thông tin quái ác ấy nhanh chóng truyền đến tai Điểu Bé (29 tuổi), ngụ thôn Đắk Á, là con trai ruột của ông Điểu Chên. Rồi những thông tin điên rồ ấy như một luồng gió lốc xoáy sâu vào tâm can của một người con hiếu thảo.
Cuối cùng, vì sự mù quáng nên Điểu Bé đã tin “ông Chên còn sống và đang từ thiên đường trở về”... Những ngày qua, nằm sâu dưới đáy mộ chắc cha mình lạnh lắm, vừa đói khát lại xa con cháu nên mới kêu cứu để được trở về...
Từ sự hoài nghi, cả tin đến mức mù quáng đó đã khiến Điểu Bé không một chút do dự quyết định triệu tập một số anh em thân thích đi đào mộ cha.
Phần mộ ông Chên sau khi được xây lại
Sự thật và nỗi đau còn lại
Ông Điểu Lung là em trai ông Điểu Chên, tức chú ruột của Điểu Bé, ngụ thôn Bù La và cũng là người trực tiếp đào mộ ông Chên lên kể lại: "Khoảng 8 giờ sáng ngày 25/3, Điểu Bé điện thoại cho tôi nói là có nghe thông tin từ một số người dân đồn rằng cha nó (ông Chên) còn sống và muốn ra mộ đào lên. Lúc đầu tôi cũng hoang mang, do dự, nhưng thấy nó quả quyết nên tôi cũng đồng ý.
Đến 9 giờ sáng cùng ngày, tôi cùng Điểu Bé, Điểu Thơi (con ông Điểu Khon) và Điểu Vây Gan mang cuốc, xà beng ra nghĩa địa đào mộ. Ra đến mộ, Điểu Bé vì ít tuổi, nên không dám đào mà đứng cách khoảng 20m xem chúng tôi đào.
Vài chục phút sau, chúng tôi đã gỡ bỏ lớp xi măng ở trên và tiếp tục đào xuống, sau đó thì bật nắp quan tài trước sự chứng kiến của hàng chục người dân. Nhưng khi nắp quan tài mở ra, ngay lập tức mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, vì thi thể ông Chên đang phân hủy. Thấy thế chúng tôi đậy nắp quan tài lại, những người dân đã bỏ chạy tán loạn. Ngôi mộ sau đó được chúng tôi làm lại như cũ.
Ông Điểu Sang, Trưởng thôn Đắk Á cho biết: Ông Điểu Chên có hộ khẩu thường trú tại thôn Đắk Á. Từ tháng 2/2014 gia đình ông chuyển về quê mẹ ở thôn Bù La nhưng không thông báo với chính quyền. Hôm xảy ra sự việc tôi đi họp giao ban ngoài xã nên không biết.
Điểu Bé mới chỉ học hết lớp 5 nhưng sống hòa đồng với mọi người, hiếu thảo với cha và chăm lo làm ăn. Tuy nhiên, do dễ tin lại kém hiểu biết nên mới hành động nông nổi như vậy. Sau sự việc, Điểu Bé đã hối hận và trở lại sinh hoạt bình thường chứ không thấy có biểu hiện gì khác, ông Sang cho biết.
Ông Phạm Thành, Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết, xã có nghe thông tin nhưng khi sự việc đã rồi. Sau đó, xã đã cử cán bộ đến tận nơi xác minh đồng thời tuyên truyền, vận động bà con không nên có tư tưởng lệch lạc, mù quáng làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh.
Cũng theo ông Thành, trên địa bàn có một số nghĩa trang tự phát nằm rải rác ở các thôn, nên khi có sự cố như trên, chính quyền xã chưa nắm ngay được. Xã cũng đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhân dân chôn cất người quá cố tập trung tại nghĩa trang xã nhưng vì theo phong tục tập quán nên họ không thực hiện.
Với người dân ở xã Bù Gia Mập thì câu chuyện không chỉ dừng lại ở góc độ mê tín đến mức cuồng tín của Điểu Bé và những người thân. Đó còn là nỗi ám ảnh đối với những người “vô công rồi nghề”, những kẻ “ngồi lê mách lẻo”. Bởi họ chính là những người đã gián tiếp gây ra sự việc đau lòng này.
Theo Vũ Thuyên