ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An): Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội và đạo đức gia đình, một vấn đề đang ở mức nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay?
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: Đây là một câu hỏi rất quan trọng, cũng rất khó và để thực hiện thì cần thời gian lâu dài. Tại kỳ họp trước, tôi cũng đã trả lời câu hỏi này và đến nay sự xuống cấp của đạo đức, xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội và trong cán bộ đảng viên có chiều hướng gia tăng. Đạo đức nghề nghiệp sa sút, gian lận trong học hành bằng cấp, các thủ đoạn chạy chức, chạy quyền, bạo lực gia đình, bạo lực với người cao tuổi.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ đã tham mưu để Trung ương ban hành Nghị quyết 33, xây dựng và phát triển văn hóa con người, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước. Giải pháp nữa là đẩy mạnh xây dựng đạo đức lối sống thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các thể chế văn hóa, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng... Bác Hồ nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” nên để khắc phục những biểu hiện xuống cấp của đạo đức, lối sống thì chúng ta cũng phải làm từng bước cùng sự vào cuộc của toàn xã hội.“Lĩnh vực này có lẽ cũng xuất phát từ cái gốc đó là kinh tế. Nếu giải quyết vấn đề này mà chúng ta bỏ lĩnh vực kinh tế sang một bên thì không giải quyết được”.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tranh luận: Bộ trưởng nói rằng muốn phát triển văn hóa và đạo đức xã hội thay đổi thì cần phải có kinh tế. Rõ ràng phú quý sinh lễ nghĩa nhưng tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội. Trước đây chúng ta còn nghèo, rất khó khăn, nhưng đạo đức xã hội vẫn được duy trì, văn hóa rất tốt. Bây giờ chúng ta thoát nghèo, thu nhập trung bình thì vấn đề nền tảng đạo đức của xã hội đang bị xuống cấp một cách trầm trọng. Đâu là nguyên nhân?
Vấn đề này cả xã hội phải vào cuộc và chính sự xuống cấp của đạo đức xã hội xuất phát từ các ngành kinh tế, từ lĩnh vực kinh tế. Cho nên chúng ta phải xử lý ở các lĩnh vực đó, không chỉ là vấn đề xã hội. Ý tôi muốn nói như vậy, còn nếu như vẫn để cho mỗi ngành văn hóa và các ngành cứ loay hoay thì không giải quyết được vấn đề xuống cấp. Tôi xin nói thêm, trong việc phân bổ ngân sách, kể cả các địa phương, có thể nói dành cho ngành văn hóa rất ít. Ví dụ, trong ba năm vừa rồi, ngân sách cấp cho bảo tồn di sản phi vật thể cấp qua Bộ Văn hóa ba năm chỉ được 7,3 tỷ. Tôi nêu một ví dụ để nếu như chúng ta không có những giải pháp đồng bộ thì đến nhiệm kỳ sau, ai đó làm bộ trưởng cũng sẽ tiếp tục bị chất vấn lại vấn đề đạo đức xã hội.