Đạo diễn Em và Trịnh: 'Không đưa chuyện đồn đại vào phim'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đã lâu rồi khán giả mới có dịp được chờ đợi một bộ phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hứa hẹn hé lộ về thời hoa niên của ông nhiều hơn là một phim ca nhạc đơn thuần. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho hay ngoài Em và Trịnh (phát hành 17/6), một bộ phim nữa cũng về nhạc sĩ sẽ được ra mắt trong dịp này.

Bình thường bạn có phải người hâm mộ nhạc Trịnh?

Chắc không được gọi là người hâm mộ, nhưng Trịnh Công Sơn cùng Phạm Duy là hai nhạc sĩ Việt Nam tôi nghe nhiều nhất. Tôi lỡ hâm mộ… nhạc nước ngoài (cười) vì lớn lên với nó, nên phải mất một thời gian rất lâu mới bắt đầu nghe nhạc Việt.

Từ khi làm phim về nhạc sĩ, tình cảm hâm mộ phát triển hơn trong bạn chăng?

Có chứ. Khi làm Em là bà nội của anh, phải tìm bài hát trong phim thì ngay trong đầu tôi tự động vang lên Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em. Tôi nghĩ mình không phải người hâm mộ nhưng âm nhạc đó sống trong mình. Khoảng 2 năm sau tôi nhận lời mời làm phim - ý tưởng ban đầu là nhạc kịch sử dụng các bài nhạc Trịnh. Tôi tìm hiểu tư liệu, đọc rất nhiều và càng đọc càng thấy ngưỡng mộ, thấy sao thế hệ của mình thua xa thế hệ đó. Các chú các bác thời đó như Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Đinh Cường… lập nguyên một hội gọi là Tuyệt Tình Cốc. Như tôi bây giờ mới đọc sách triết thì khi đó họ mới 18-19 tuổi mà nói về âm nhạc, về triết học, về những vấn đề lớn lao… Mình mới hiểu tại sao văn học thời đó huy hoàng như vậy, âm nhạc thời đó có những triết lý như vậy.

Hình như “Em và Trịnh” chỉ đề cập thời hoa niên và những mối tình trong khi Trịnh Công Sơn là danh nhân lịch sử có rất nhiều tầng bậc sâu rộng để khai thác?

Đó là một tranh cãi nội tại khi mình bắt tay vào làm phim này. Có giai đoạn nhóm nghiên cứu viết kịch bản bơi trong tư liệu vì có quá nhiều thứ. Trịnh Công Sơn quá vĩ đại nên bất cứ câu chuyện gì mình cũng có thể kể được hết. Do đó phải đặt lên bàn cân xem nên kể câu chuyện gì. Về sự nghiệp âm nhạc của ông, thời thế đã thay đổi ông thế nào hay về mối quan hệ với những nàng thơ… Ý tưởng đầu tiên cuối cùng vẫn được bảo lưu.

Tôi thấy hứng thú khi đọc mẩu tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một đám cưới không thành với cô người Nhật Michiko. Cô đến Việt Nam để làm luận án về tính phản chiến trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi quyết định chọn khía cạnh này và đào sâu, sẽ kể về tình yêu và một chút về phản chiến. Tôi không thể ôm đồm hết mọi thứ, cũng thấy tiếc vì không thể kể hết mọi thứ. Nhưng nhiều khi kể một câu chuyện nhỏ cũng có thể thấy được một chân dung lớn.

Đạo diễn Em và Trịnh: 'Không đưa chuyện đồn đại vào phim' ảnh 1

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và các diễn viên của phim Em và Trịnh

Câu chuyện tôi chọn khá an toàn về mặt tiếp cận với công chúng và cũng an toàn với gia đình nhạc sĩ. Gia đình rất muốn bảo vệ hình ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngày đầu tiên gặp gia đình, tôi nói nếu gia đình đồng ý cho làm phim này, gia đình phải chấp nhận có thể hình ảnh của nhạc sĩ sẽ có lúc đẹp lúc xấu, không thể nào chỉ kể chuyện tốt của ông mà không kể những mặt trái. Có như vậy mới tạo nên một con người thú vị. Gia đình rất tôn trọng và cũng đồng ý việc đó. Nhưng mình cũng hiểu không thể nào lôi hết những góc khuất ra.

Phan Gia Nhật Linh: Thực ra Em và Trịnh là dạng phim tình yêu trong thời chiến. Hầu hết mọi người khi nghĩ đến phim chiến tranh đều không cho rằng đó là phim thương mại. Đây không hẳn là phim chiến tranh nhưng có mang dấu ấn cuộc chiến tác động đến con người như thế nào.

Nhạc sĩ có rất nhiều lời đồn xung quanh. Tôi phát hiện ra khi gặp 10 người, ai cũng xưng là bạn thân nhất của Trịnh Công Sơn. Và ai cũng kể những câu chuyện góc khuất mà họ cho rằng duy nhất họ biết. Tuy nhiên, cùng một sự kiện nhưng không ai kể giống nhau cả, nên tôi thấy không thể đưa những chuyện đồn đại vào trong phim. Vì khán giả sẽ nghĩ những gì diễn ra trong phim là có thật. Thật ra trong phim có nhiều chuyện mình hư cấu lên.

Tên phim đúng ra phải là “Các em và Trịnh” vì hơi nhiều nàng thơ xuất hiện?!

Tôi cảm nhận được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không yêu một người cụ thể mà ông yêu ý niệm về tình yêu. Ông yêu cái đẹp. Cho nên tất cả các bài hát của ông đều có bóng hình của rất nhiều cô gái. Mình bám vào ý đó để triển khai. Sau khi đọc 300 lá thư ông gửi Dao Ánh, mình thấy nhạc sĩ phải rất yêu Dao Ánh. Không biết những người khác như thế nào, nhưng riêng với Dao Ánh ông có một tình yêu quá đẹp. Mình đọc thư và mình tưởng tượng nếu mình là cô gái đó thì tim mình cũng tan chảy. (cười)

Đạo diễn Em và Trịnh: 'Không đưa chuyện đồn đại vào phim' ảnh 2

Diễn viên Hoàng Hà vào vai Dao Ánh trong phim Em và Trịnh

Khi viết kịch bản, tôi cũng muốn liên lạc với tất cả các cô để hỏi, nhưng sau đó thấy các cô đều có đời sống riêng mà mình không thể xâm phạm. Dù họ khen hay chê, nói hồi xưa yêu hay không yêu cũng đều không hay cho họ vào lúc này.

Mình phải chấp nhận tưởng tượng ra những chuyện đó. May sao hai năm trước, cô Dao Ánh về Việt Nam và đột nhiên nói đồng ý gặp. Trước đó cô từ này. Gặp thì cô nói, cô cũng không biết mình sống bao lâu và những chuyện này nếu cô không kể ra thì nó sẽ mãi mãi biến mất, thì đây là lúc cần kể. Cô kể cho tôi nghe từ phía cô tình cảm như thế nào thực sự rất xúc động. Hôm đó ngồi phỏng vấn cô khóc, mình cũng rơm rớm. Nhờ câu chuyện của cô, mình mới có cái kết cho phim.

Lúc viết kịch bản, tôi chưa biết sẽ kết thúc phim thế nào, nhưng nhờ cô Dao Ánh kể một chuyện mà cô chưa từng kể cho ai. Nếu mọi người theo dõi trailer sẽ thấy ghi 301 bức thư tình khi trong sách chỉ có 300. Vì có một lá thư chưa bao giờ được công bố. Cô kể về lá thư đó.

“Với phim đặt hàng, đạo diễn không có quyền gì sau khi đã hoàn thành vai trò của mình. Mình có bản cắt của mình nhưng nhà sản xuất có thể sẽ nói không, cái đó không ăn khách. Và mình không có quyền kiểm soát việc đó. Em và Trịnh có lẽ là phim cuối cùng mình làm trong tư cách đạo diễn tự do- tức là ai thuê thì mình làm. Mình quyết định mở hãng để tự sản xuất phim của mình. Giờ là lúc mình làm những phim khác với tất cả những cái thị trường đang có”. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh

Vậy còn bà Michiko?

Tôi cũng tìm cách liên lạc nhưng cô không muốn trả lời. Mình hiểu và tôn trọng. Mình cũng nói chuyện với chồng của cô, chồng cô hoàn toàn không thích chuyện này. Phần về Michiko mình chỉ dựa trên các tư liệu mà mình có được, xem sơ qua bản luận án toàn bằng tiếng Pháp, nghe bạn bè của nhạc sĩ kể câu chuyện của hai người. Phần còn lại là hư cấu.

Có duyên nắm nhiều tư liệu về nhạc sĩ, bạn có định làm thành phim tài liệu hay sách?

Trong quá trình viết kịch bản, Bình Bồng Bột phải đi gặp tất cả các nhân chứng. Anh Nguyễn Quang Dũng được cử đi làm đạo diễn cho phim tài liệu dựa trên tất cả những cuộc phỏng vấn lấy tư liệu cho phim trong suốt 2 năm đó. Dự kiến phim tài liệu đó cũng ra trong đợt tới luôn. Đó cũng là mong muốn của gia đình vì hầu hết những người bạn của nhạc sĩ đều đến cái tuổi có thể ra đi bất cứ lúc nào.

MỚI - NÓNG