TPO - "Thổi hồn" vào những thứ đồ cũ kỹ, bỏ đi của người khác là công việc chính của anh họa sĩ Nguyễn Quốc Dân (38 tuổi, ở Hội An) những năm trở lại đây với mong muốn lan tỏa tinh thần tốt đẹp về môi trường.
|
Gia đình nghèo khó, Nguyễn Quốc Dân đi nhặt phế liệu từ khi lên 3 tuổi để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vì vậy, anh đã đã gắn bó quen thuộc với những thứ đồ cũ kỹ bỏ đi của người khác ở các bãi rác lớn ở Hội An hay dọc các bãi biển. |
|
Bén duyên với công việc 'tái sinh rác thải', nam họa sĩ kể: "Tôi yêu nét đẹp hoài cổ của Hội An nên tôi rất muốn thổi hồn vào những tác phẩm nghệ thuật cổ. Quan trọng hơn cả, tôi coi đây là một hoạt động ý nghĩa để chia sẻ nguồn năng lượng tích cực đến với bạn trẻ về bảo vệ môi trường và tận dụng tối đa những gì có thể tái chế lại". |
|
Chiêm ngưỡng tác phẩm tái chế từ chậu sắt của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân. Trước đó, anh Dân từng được mời đi làm thiết kế cho rất nhiều khách sạn, nhà hàng. Tuy nhiên, anh chỉ nhận các dự án mà chủ đầu tư chấp nhận làm theo phương pháp tái sinh, tái chế. |
|
Được biết, anh Nguyễn Quốc Dân từng tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM nhưng đã quyết định về Hội An mở 'xưởng tái sinh' cách đây 2 năm. Để có một sản phẩm nghệ thuật từ rác thải, Quốc Dân không có quy trình cụ thể nào. Mà đơn giản, anh chỉ đi lang thang và tìm vào các bãi phế liệu nhìn, thấy cái nào có thể tái chế lại thì sẽ nhặt về. Do đó, người ta thường thấy anh có mặt ở các bãi phế liệu nhiều hơn ở nhà. |
|
Nhà vệ sinh ngoài trời của khu 'xưởng tái sinh' cũng từ những đồ đã qua sử dụng. |
|
Một góc 'xưởng tái sinh' chứa đầy những tác phẩm cũng như vật dụng chờ tái chế. Anh Dân kể thêm: "Đợt dịch vừa rồi, tôi có nhiều thời gian nên đi quanh các bãi cát nhặt phế liệu. Do thời tiết mưa bão nhiều nên có nhiều đồ phế liệu trôi dạt lên và trông rất khó chịu. Tôi đã nảy ra ý tưởng rủ cả gia đình đi nhặt, mấy du khách Tây thấy vậy cũng đi nhặt theo để làm sạch bãi biển". |
|
Hiện tại, dù theo đuổi công việc không đem lại thu nhập nhưng anh Dân vẫn nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Không những thế, họ còn là những người trực tiếp đi cùng anh đến những bãi phế liệu hay các địa điểm để tìm chất liệu cho các tác phẩm tái sinh. |
|
Với họa sĩ trẻ Nguyễn Quốc Dân, anh thẳng thắn bày tỏ: "Tôi không sợ bị người ta nói là 'bị điên', tôi cũng không làm vì lời khen của người khác. Mà đơn giản, tôi muốn thoả mãn cái tôi nghệ thuật và kiếm cái 'điểm chạm' cho riêng mình. Quan trọng hơn, tôi muốn đưa đến cho những thứ tưởng chừng là rác một cuộc đời mới". |
|
Ngoài sáng tác nghệ thuật, anh Dân đang quản lý một quán cà phê ở phố cổ Hội An để kiếm thêm thu nhập. Anh mong muốn biến nơi đây thành quán cà phê để trưng bày những tác phẩm nghệ thuật tái sinh để góp phần lan tỏa, mang đến cho khách quốc tế một điểm nhấn nổi bật từ các sản phẩm của mình. |
Châu Linh, Lâm