Có rất nhiều lí do khiến người ta cân nhắc khi phê bình “Đảo của dân ngụ cư”. Bởi lẽ, đây là bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Hồng Ánh. Lâu nay, đội ngũ nữ đạo diễn điện ảnh ở ta đã hiếm hoi, thêm một người có tâm, có tài như Hồng Ánh sao nỡ nặng lời? Nhưng quan trọng hơn cả, ai đã từng xem “Đảo của dân ngụ cư” đều phải thừa nhận, đây là một nỗ lực lớn lao của Hồng Ánh. Người xem còn mệt nhoài, oi bức sau khi đến thăm “đảo”, nghĩa chi là người chỉ huy “đảo”.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét: “Đây là bộ phim khá hay”. Dù thân quí vợ chồng Hồng Ánh, ông cũng chỉ dám đánh giá “khá hay” (chứ không phải “hay” hoặc “rất hay”), kèm theo sự khâm phục người sinh ra tác phẩm điện ảnh: “Cô ấy như “con nghiện” với nghề”. Nhưng khán giả trẻ hình như lại khó tính hơn nhà văn thời chống Mỹ.
Không điểm nhấn, không rõ ràng?
Một số người có nghề nhẹ nhàng chỉ ra hạn chế “Đảo của dân ngụ cư”. Có ý kiến cho rằng: Phim đôi khi thừa tình tiết vì kéo dãn bối cảnh. Ngoài ra, còn “tội” rời rạc, thiếu nhất quán. Người khác lại đánh giá: “Đảo của dân ngụ cư” trôi cùng lỡ dở, cái gì cũng chưa tới, đến cả cảm xúc vui, buồn của nhân vật cũng lửng lơ đâu đó, “nhạt nhòa như một cảnh quay”… Ngay cả LHP Quốc tế ASEAN 2017 đã trao giải quay phim xuất sắc nhất cho NSND Lý Thái Dũng thì ở trong nước vẫn có những người chưa ưng quay phim ở “Đảo của dân ngụ cư”. Nhận xét của nhà biên kịch trẻ Vũ Ánh Dương: “Một phong cách thể hiện không “khiêm nhường”....
Còn những người trẻ, họ không xem phim bằng kỹ thuật nhà nghề nên chỉ đánh giá bằng cảm nhận. Buổi chiếu thứ hai trong ngày chiếu đầu tiên tại Vincom (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) phòng rạp BHD phục vụ chưa đến chục “thượng đế”. Phim kết thúc, hai bạn trẻ thật thà khai: “Phim thế nào ấy, không có điểm nhấn và không rõ ràng”. “Đảo của dân ngụ cư” được chuyển thể từ truyện ngắn có tên “Đảo ngụ cư”, viết xong năm 1992, của Đỗ Phước Tiến, rõ ràng là một truyện có cốt truyện, sao người trẻ lại kêu “không rõ ràng”? Thì ra, họ muốn biết: Vì sao người cha lại cần thiết giữ cô con gái tật nguyền làm “của riêng” đến vậy? Ông ta nhốt con trong một căn phòng, ngày ngày lên thăm nom, kèm kiểm tra đề phòng kẻ lạ xâm nhập. Rồi cũng chỉ mình ông ta được cõng cô gái ra biển để cô thỏa mãn khao khát ngắm biển rộng dài. Vì sao ông ta không muốn đứa con của mình yêu và được yêu, được làm đàn bà đích thực, được sinh con, được ra ngoài xã hội ?... Trong đời sống đã được “cởi nút” nhiều như hôm nay, thắc mắc của người trẻ cũng là điều dễ hiểu. Họ không thể hiểu thế nào là “thành trì” của những quan niệm cũ kỹ ở một ông chủ người Hoa.
Nhưng không rõ ràng cũng có cái hay của nó. Có lẽ điều mà những người làm phim lẫn đơn vị phát hành phim mong muốn hơn cả: Nếu có gì chưa hiểu, hãy tiếp tục mua vé xem phim lần nữa.
Tự dưng thấy vợ ba Bá Kiến?
Trong phim Việt chủ đề tình yêu bị cấm đoán, biết cơ man nào. Ngày trước lả tả những “Lá ngọc cành vàng”, “Lời nguyền của dòng sông” v.v.. “Đảo của dân ngụ cư” cũng đi lại một đề tài quen, nên dễ đoán. Khi thấy chàng đẹp trai tên Phước (Phạm Hồng Phước đóng) chính thức vào làm việc ở nhà hàng chuyên dê, nơi có một ông chủ độc tài, một bà chủ nem nép sợ chồng và cô con gái hơ hớ bị tật nguyền sống vật vờ trong buồng kín trên lầu, người ta đủ hiểu diễn tiến của phim sẽ thế nào.
“Đảo của dân ngụ cư” hấp dẫn với dàn trai đẹp: Siêu mẫu Nhan Phúc Vinh thủ vai một gã trai bừng bừng nhựa sống; ca sỹ Phạm Hồng Phước ít rực lửa hơn nhưng gương mặt “lừa tình”… Không chỉ thế, nghe tên tác giả chuyển thể kịch bản, khán giả cũng hứng. Người yêu văn chương hẳn muốn xem thông minh như Nguyễn Quang Lập “đánh đu” với lời thoại trong phim thế nào. Khéo lại tìm được vài câu hay hay làm “vốn” vận dụng trong đời sống hàng ngày hoặc dùng để chế cho vui nhộn. Tiếc rằng, dù phim vào dạng “kiệm lời” song mỗi lời phát ra cũng chẳng nặng ký như kỳ vọng của khán giả. Tịnh không có một câu nào đáng “đồng tiền bát gạo”. Thậm chí có đoạn còn… gây cười. Ví dụ, lời thoại dành cho Chu, cô gái tàn tật bị giam hãm. Khi chàng đẹp trai làm thuê cho nhà cô, trốn vào phòng chơi với cô. Chu bảo người con trai kém mình ba tuổi: “Em bóp chân cho chị đi”. Chàng trai chưa kịp trở tay, nàng đã “bồi” tiếp: “Sợ à?”. Ngay và luôn, chàng trai tiến hành “bóp chân cho chị”. Đoạn này có người cười khinh khích: “Ơ, giống như đoạn vợ ba Bá Kiến dụ Chí Phèo bóp chân”. Thế là đang bi kịch lại hóa ra hài kịch. Phim kết thúc trong tự sự của nhân vật Phước, đại ý: Tôi còn nhiều lần nhơ đến chị Chu. Tôi biết mình không bao giờ có được hạnh phúc nữa. Không bao giờ. Có người thắc mắc, chẳng biết đang xem phim hay xem kịch? Một chàng trai trẻ đứng trước sự tàn phá khốc liệt của tình yêu chỉ thốt lên được những lời “kém muối” thế thôi sao?
Cảnh nóng và… chưa nóng
Dùng bạo lực, dùng cảnh nóng để nói đến ẩn ức, khát vọng tự do, khát vọng được giải thoát chẳng phải chuyện mới mẻ. “Đảo của dân ngụ cư” qui tụ hầu hết những “chiêu” được coi là hút khách: Cảnh nóng, bạo lực, máu me… để chuyển tải thông điệp phim. Nhưng giữa thị trường phim ảnh mới được dán nhãn hiện nay, cảnh nóng trong “Đảo của dân ngụ cư” cũng không ấn tượng gì ghê gớm. Khán giả không nên hi vọng được nhìn thấy cảnh “nóng hơn nhiệt độ Hà Nội” trong đợt nóng hiếm có vừa qua. Bạo lực cũng như tình dục trong phim, dùng thủ pháp âm thanh để diễn tả cao trào, đôi khi hơi lạm dụng. Làm tình cỡ gây tiếng động như núi lở sau nhà… cả làng đều biết, sao ông chủ như “chó săn” lại không biết? Tự dưng thành vô lí.
Ngay từ khi “Đảo của dân ngụ cư” chưa ra rạp nhiều người đã dự đoán nguy cơ phim khó thắng doanh thu. Song mới chỉ qua đôi ngày khởi chiếu, chưa nói lên được điều gì. Phải khẳng định, đây là bộ phim dễ xem, được đạo diễn chi chút, các diễn viên làm tốt nhiệm vụ của mình.
Nhưng có người lạc quan lại cho rằng, cảnh nóng trong phim sẽ giúp phim “trụ vững” phòng vé. Song có lẽ ai đó đã và đang nhầm về nhu cầu của khán giả hôm nay. “Cảnh nóng” cỡ “Sắc, giới” thì còn may ra... Một bạn trẻ chia sẻ: “Vì phim được giải thưởng lớn nên chúng tôi đi xem nhưng tiếc rằng, phim chưa hấp dẫn như giải thưởng”. Cũng không có gì lạ. Cứ nhìn sang văn học mà xem, giải thưởng văn học ASEAN rõ “đùng đoàng” thế mà bạn đọc trong nước đâu có đoái hoài?