Đánh thuế tài sản sẽ ảnh hưởng đến BĐS, chứng khoán TPHCM?

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, Hà Nội
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, Hà Nội
TPO - Ủng hộ nhiều chính sách thí điểm ở TP HCM, song nhiều đại biểu cho rằng, cần hết sức cân nhắc với việc đánh thuế tài sản cá nhân.  

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng tình thí điểm về vấn đề tài chính ngân sách, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đồng Tháp cho rằng, việc này sẽ có tính chất đột phá, mang lại nguồn thu cho thành phố. Tuy nhiên, theo bà Hoa, việc này sẽ có tác động lớn đến người dân và DN, nên cần phải lường trước được vấn đề.

Theo bà Hoa, nên giao cho TPHCM quyết định tăng thuế, nhưng phải nghĩ đến phương án có tăng có giảm. Nghĩa là, có thể giảm mức thu, nhưng tăng đối tượng thu lên, con số cuối cùng nguồn thu vẫn tăng. Đồng thời cần cân nhắc tăng, giảm thuế một cách hợp lý, giảm ở lĩnh vực cần thu hút đầu tư, còn tăng ở lĩnh vực có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chung của TP.

“Điều chỉnh chính sách cần phải làm minh bạch, có đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh gây bức xúc phản ứng không đáng có của dân, DN. Phải có cơ chế thông thoáng hơn, nhất là minh bạch trong thông tin, công bằng trong cách ứng xử”, bà Hoa nói.

Đi vào vấn đề cụ thể hơn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lưu ý, việc thí điểm thuế tài sản ở TP HCM, đã có lịch sử lâu đời ở nhiều nước trên thế giới. Nguồn thuế thu từ bất động sản chiếm phần quan trọng, tuy nhiên số thu từ sử dụng đất ở Việt Nam hiện rất thấp, chỉ 0,03% GDP.

Tuy nhiên, đại biểu Mai cũng đề nghị cân nhắc, nếu áp dụng thu thuế tài sản ở TP HCM, vì có thể sẽ gây bất bình đẳng, ảnh hưởng đến sự công bằng và thực thi chính sách. Ngoài các đại gia, những người giàu có thì người dân bình thường có đất đai tài sản ở TPHCM cũng phải chịu thuế nếu thí điểm chủ trương này.

Bên cạnh đó, việc thí điểm thu thuế tài sản có thể chưa phù hợp mục tiêu. Bởi một trong những mục tiêu quan trọng nhất là tăng cường tính hấp dẫn của TP HCM, khắc phục yếu kém, nhưng nếu có thuế tài sản sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, chứng khoán, thậm chí bảng xếp hạng cũng bị ảnh hưởng.

“Điều kiện cần và đủ chưa thực sự đồng bộ”, bà Mai cho hay. Căn cứ vào kinh nghiệm các nước, theo đại biểu, chủ trương này chỉ đạt kết quả nếu có cơ sở dữ liệu về đất đai chuẩn xác, cập nhập thường xuyên về quyền sở hữu tài sản, chuyển giao tài sản, phải có hệ thống định giá bất động sản khoa học hợp lý, có đo đạc bản đồ chuẩn xác, và phải chứng minh nguồn gốc tài sản, tránh trốn thuế và chuẩn bị tâm lý người đóng thuế.

“Điều kiện cần và đủ ở TPHCM chưa đồng bộ. Cần đánh giá tính khả thi, để áp dụng trên cả nước. Phải hội tụ đầy đủ điều kiện, để ban hành chính sách phù hợp với lòng dân.

Đồng ý với chủ trương cần có chính sách đặc thù, đại biểu Lê Công Đỉnh, Long An cho rằng, TP HCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù cho TP.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đỉnh, cần làm rõ hơn tác động khi ban hành nghị quyết, đánh giá tổng thể hơn về bài toán khi ban hành nghị quyết, địa phương lân cận ảnh hưởng như thế nào, nhất là những tác động về thuế phí, lệ phí sẽ tác tác động ra sao đến người dân và DN.

MỚI - NÓNG