Kinh doanh kiểu đa cấp?
Theo ông Đinh Khắc Huy – Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị Tây Bắc cho biết, vừa gửi công văn báo cáo vụ việc Cty Alibaba tự xưng chủ đầu tư, công bố bán đất nền, thu tiền khách hàng… Đồng thời kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi kiểm tra các vụ việc trên địa bàn TPHCM liên quan đến Cty Alibaba để xử lý đúng pháp luật.
Tiếp đó, chiều ngày 16/11, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết đã nhận được nhiều thông tin từ doanh nghiệp, người tiêu dùng về trường hợp Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM (Cty Alibaba) có nghi vấn về việc tăng vốn điều lệ “ảo”, công bố bán nền nhà, thu tiền trước của khách hàng “kiểu kinh doanh đa cấp” tại nhiều “dự án” đất nền chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý, chưa đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai trên địa bàn Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, và TPHCM. Đơn vị này đã làm nhiễu loạn thị trường BĐS, làm thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HOREA thông tin, Cty Alibaba vừa mới “ra đời” nhưng đăng ký vốn điều lệ là 13.600 tỷ đồng là rất lớn, khác thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường BĐS. Các tập đoàn BĐS lớn nhất Việt Nam tính từ năm 2016 chỉ có 1 tập đoàn có vốn điều lệ trên 19.000 tỷ đồng, 3 tập đoàn khác chỉ có vốn điều lệ trên dưới 8.000 tỷ đồng, tính đến năm 2016.
Tuy nhiên, trên trang Webtise của Cty Alibaba đưa 10 dự án phân lô bán nền do đơn vị này chủ đầu tư, nhưng không đúng sự thật. Đơn cử dự án Marine City tại Cửa Lấp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích 28,2 ha, với khoảng 1.000 căn nhà phố, biệt thự, chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải. Còn khu đất “Dự án Khu đô thị Alibaba Tây Bắc Củ Chi” là dự án được Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc đang tìm nhà đầu tư. Còn đối với các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5 đến 14 thì ông Trương Văn Phương - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành trả lời với Tiền Phong là không có dự án nào do Cty Alibaba làm chủ đầu tư trên địa bàn.
Bất minh vốn điều lệ
Được biết, trụ sở Cty Alibaba đặt tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức và 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, có 3 cổ đông gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali (Cty Ali), đăng ký góp 7.800 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ, ông Lê Xuân Sơn ngụ tại 115/13 Khu phố 2, phường Phú Mỹ, quận 7, đăng ký góp 3.600 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ, bà Đặng Thị Bích Ngọc ngụ tại 22/4A đường số 21, phường 8, quận Gò Vấp, đăng ký góp 600 tỷ đồng, tương đương 5% vốn điều lệ; do ông Nguyễn Văn Huấn là đại diện pháp luật.
Mổ sẻ vấn đề này, ông Châu phân tích, Cty Alibaba Tây Bắc TPHCM đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng là phi lý, không bình thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường. Cổ đông lớn nhất là Cty Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, mà lại cam kết góp vốn vào Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM đến 7.800 tỷ đồng? ông Lê Xuân Sơn đăng ký góp đến 3.600 tỷ đồng? bà Đặng Thị Bích Ngọc đăng ký góp đến 600 tỷ đồng? là không bình thường.
Theo luật sư Đoàn Việt Thắng – Đoàn Luật sư Ninh Thuận nhận định, nếu dự án chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa được giải phóng mặt bằng, chưa làm cơ sở hạ tầng, chưa có văn bản của Sở Xây dựng xác nhận thì Cty Alibaba chưa đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai, không có quyền công bố dự án, không có quyền huy động vốn kể cả hình thức đặt cọc giữ chỗ. Việc này có thể sẽ khó có hệ quả xấu xảy ra. Khách hàng nếu mua phải những trường hợp như thế này có thể kiện đơn vị bán hàng ra tòa với tội lừa đảo.