Đánh giá cao bài bế mạc tại Hội nghị Trung ương vừa qua với các tiêu chí rất cụ thể, song cử tri cũng băn khoăn, thực thi thế nào để đạt được điều đó. “Thực tế thấy rõ nhưng lại rất khó chứng minh tham nhũng. Đề ra mục tiêu không đưa người tham nhũng, tham vọng quyền lực vào cấp ủy, nhưng liệu chúng ta có làm được điều này không mới là điều quan trọng”, cử tri Lưu Huy Vinh nêu. Cùng quan điểm, theo cử tri Trần Nguyên Minh (phường Cống Vị), tham nhũng giờ đã quá lộ liễu, trở thành một nạn dịch thấm sâu vào nước ta. Ông đề nghị phải quản lý chặt chẽ thu nhập. Công chức nhà nước phải có tài khoản và chi tiêu qua thẻ chứ không phải bằng tiền mặt. Nếu có các khoản tiền ngoài luồng sẽ phát hiện ra ngay, từ đó có thể chống được tham nhũng hiệu quả.
“Bài bế mạc của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương vừa qua làm cử tri và người dân rất phấn khởi, nhưng điều quan trọng là có làm được như vậy hay không? Chúng tôi mong muốn với tâm huyết của mình, Tổng Bí thư ra tay làm cho bằng được, để Ban chấp hành Trung ương sắp tới sẽ có đội ngũ mạnh, trong sạch”, cử tri Lê Hoa (phường Điện Biên) nêu kiến nghị.
Để ngăn ngừa tham nhũng, cử tri quận Ba Đình đề nghị Quốc hội thực hiện giám sát đối với các dự án về giao thông có nguồn vốn lớn, đặc biệt các dự án đường cao tốc, sử dụng nguồn vốn ODA. Liên quan đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cử tri Võ Trọng Hốt (phường Trúc Bạch) cho rằng, dự án này nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, vốn đầu tư quá lớn. Ông đề nghị cần giám sát chặt chẽ, hiệu quả với dự án “khủng” này. Tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cũng phản ánh với đoàn đại biểu Quốc hội về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc…
“Không đánh người chạy lại”
Chia sẻ với cử tri quận Ba Đình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương vừa qua đã nhấn mạnh, công tác chuẩn bị nhân sự là vấn đề rất quan trọng, là nguyên nhân then chốt của then chốt, là công việc gốc của Đảng. Muốn Đảng mạnh trước hết cơ quan Đảng phải mạnh. Ý thức được điều đó nên thời gian qua Trung ương đã chuẩn bị rất kỹ. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng cho rằng, đây là vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp.
“Bất kỳ đại hội nào, công tác chuẩn bị nhân sự cũng có vấn đề, có ý kiến này, ý kiến khác. Thậm chí toàn dân bàn nhân sự, trong chưa bàn nhưng ngoài dư luận đã có rất nhiều phương án. Không chỉ chúng ta quan tâm mà các nước bạn cũng quan tâm. Các thế lực thù địch cũng thường nhân cơ hội này để chống phá, tung dư luận chia rẽ, gây rối nội bộ…nếu chúng ta không cảnh giác sẽ rất nguy hiểm. Đây là vấn đề rất lớn, cũng rất nhạy cảm nên cách làm phải thật chặt chẽ, có đổi mới, vừa dân chủ vừa tập trung, kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành những người không đủ tiêu chuẩn, nhưng làm thế nào để đạt được điều đó không hề đơn giản”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Liên quan đến việc xử lý cán bộ đảng viên sai phạm, Tổng Bí thư cho rằng, vấn đề này đòi hỏi phải kiên trì, tạo điều kiện để người có sai phạm tự sửa, tự điều chỉnh. “Đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Chúng ta phải có quyết tâm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có biện pháp làm cho tốt, bởi đây là vấn đề khó, liên quan đến con người, đến các mối quan hệ. Chống tham nhũng phải kết hợp cả phòng lẫn chống, tập trung vào chống. Chống tham nhũng thấy chưa được như mong muốn, nhưng nếu chỉ nhìn vào mặt hạn chế, khuyết điểm mà bi quan, mất lòng tin thì cũng nguy hiểm không kém”, Tổng Bí thư nói
Về dự án sân bay Long Thành, Tổng Bí thư cho biết, việc này cần phải có tầm nhìn xa. Dự án đang được trình ra Quốc hội mới chỉ là xin chủ trương. Đến khi triển khai dự án sẽ chia thành nhiều giai đoạn, kéo dài từ nay đến năm 2050 mới hoàn thành toàn bộ chứ không phải làm trong một vài năm. “Nếu đất nước không có một sân bay quốc tế lớn như thế thì khó đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập, ngay như sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài liên tục mở rộng, làm thêm nhà ga nhưng vẫn thấy quá tải, cho thấy sự phát triển, nhu cầu gia tăng rất nhanh”, Tổng Bí thư cho biết.
Đề cập đến mối quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ với Trung Quốc, Tổng Bí thư cũng cho biết, đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến độc lập chủ quyền quốc gia, đến giữ vững môi trường ổn định, hòa bình để phát triển. Do vậy, khi bàn đến phải xem xét một cách toàn diện, có tầm nhìn chiến lược, kiên quyết, không khoan nhượng nhưng phải linh hoạt, mềm dẻo, đặt trong mối quan hệ tổng thể với thế giới.