Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi khi đề cập đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chiều 8/5.
Khắc phục chồng chéo
Đề cập đến bộ máy tổ chức cán bộ, cử tri Đỗ Cẩm Thục (phường Cửa Đông) cho rằng, bộ máy công chức hiện nay vẫn còn nhiều chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Cử tri Thục đề nghị sắp xếp lại cho hợp lý và thực hiện tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng chồng chéo trong tổ chức điều hành. Về phía Đảng cần quy về một mối theo hướng Bí thư Đảng ủy kiêm luôn Chủ tịch UBND các cấp cơ sở.
Liên quan đến bộ máy chính quyền địa phương, cử tri Thục kiến nghị nếu đã quyết giữ cả hai cấp HĐND và UBND thì Quốc hội nên thông qua sớm để ổn định công tác nhân sự, tổ chức hành chính ở các cấp cơ sở.
Cùng đề cập đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương, cử tri Nguyễn Văn Tổng (phường Hàng Bồ) cho rằng, cái gì đổi mới ban đầu cũng sẽ gặp khó khăn với nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng nếu không đổi mới thì làm sao biết được có phù hợp hay không? Tinh giản biên chế là chủ trương đúng đắn, trên cơ sở đó, cử tri kiến nghị, việc tổ chức thí điểm nếu thấy hiệu quả thì cần nhân rộng.
Trao đổi với đoàn ĐBQH về lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, cử tri Nguyễn Văn Vượng (phường Tràng Tiền) tỏ ra băn khoăn vì chi phí cho đường cao tốc cao gấp 1,5 – 2 lần các nước trong khu vực. “Tại sao lại tốn kém như vậy? Việc thực hiện có đúng quy trình không? Qúa trình giám sát, quyết toán được thực hiện thế nào?” – cử tri Vượng nêu.
Quốc hội bàn trước, Trung ương bàn sau
Trao đổi với cử tri quận Hoàn Kiếm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc tổ chức chính quyền địa phương đã được bàn bạc rất nhiều với hai loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, không cần thiết phải giữ HĐND, vì HĐND không thiết thực, chỉ “quyết cái đã rồi”. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng, ở đâu có chính quyền, ở đó phải có HĐND để giám sát.
Trước nhiều ý kiến còn khác nhau, Tổng Bí thư cho biết, tới đây mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ thực hiện theo đúng nguyên tắc cơ bản, ở đâu có chính quyền, ở đó có giám sát, chỉ có điều phải làm sao cho thực chất.
“Nếu đã quyết hết rồi bảo đưa sang bàn thì bàn cái gì nữa? Vì thế phải đổi mới phương thức lãnh đạo, Quốc hội bàn trước, Trung ương bàn sau. Quyết hết rồi có khi cũng không chính xác hết được, nên phải tranh thủ lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhân dân…”.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, việc đổi mới cần theo hướng nâng cao trình độ năng lực, trách nhiệm và bản lĩnh của đại biểu HĐND để có thể giám sát được.