Đánh giá tác động dự án luật như bản nháp, tại sao vẫn cho qua?

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
TPO - Chỉ ra nhiều hồ sơ dự án luật mà chỉ như “bản nháp”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: Tại sao các bộ không dám ký, mà Bộ Tư pháp vẫn cho qua?

Chiều 16/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và chương trình năm 2019.

Nêu ý kiến về việc này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: Tại sao hạn chế tồn tại trong lập chương trình xây dựng luật pháp lệnh kéo dài hàng chục năm và ngày càng có dấu hiệu nặng hơn?

“Tôi cho rằng có vấn đề chúng ta không nghiêm. Ngay cả báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật cũng chẳng chỉ ra bộ nào, cơ quan liên quan nào mà kỷ luật, làm luật không tốt cho nên dẫn đến tình trạng mấy năm nay các Uỷ ban của Quốc hội vùi đầu vào làm luật không còn thời gian đi giám sát”, bà Nga nêu thực trạng.

Phân tích tình trạng làm luật không nghiêm, bà Nga cho biết, hồ sơ dự án luật từ khi phác thảo rất sơ bộ nhưng mà những tài liệu quan trọng làm trên bản nháp như báo cáo tổng kết thi hành hầu như 70% không ký, không đóng dấu. Trong khi quan điểm để xây dựng luật là trên cơ sở tổng kết thực tiễn để chọn lọc những cái tốt khắc phục hạn chế.

Với báo cáo đánh giá tác động cũng cực kỳ quan trọng, đây không phải thuộc kỹ thuật mà là quyết định nội dung, nhưng hầu như 100% không ai ký đóng dấu, vậy đánh giá tác động chính sách này của ai, của chuyên viên hay vụ trưởng, phó vụ trưởng?

Bà Nga ví dụ luật: Luật Quản lý phát triển đô thị, hồ sơ dày, có 6 tài liệu nhưng chỉ là “bản nháp” vì không ai dám ký vào cả. Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành không ký; báo cáo đánh giá tác động chính sách cũng không ký không dấu; đánh giá trình tự thủ tục của cải cách hành chính cũng không ký…

“Có đến 6 báo cáo không ký nhưng đưa ra Thường vụ Quốc hội. Bộ Tư pháp, một trong những căn cứ trình tự thủ tục thẩm định lập hồ sơ dự án thế cũng cho qua bình thường? Rồi Luật Chăn nuôi, luật Trồng trọt cũng trong tình trạng này. Tại sao các bộ không dám ký những văn bản này mà Bộ Tư pháp, Chính phủ vẫn cho qua?”, bà Nga đề nghị Văn phòng Chính phủ xem lại tình trạng này.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, nguyên nhân ở đây cũng là do thực hiện chưa nghiêm. Có những dự án luật đã bố trí vào chương trình, báo cáo cử tri rồi, nhưng sau đó lại xin rút ra, rất khó coi. Ngay tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đến phút chót cũng có tình trạng xin rút, vì chưa chuẩn bị kịp. Ông Phúc kiến nghị cần thay đổi nguyên tắc, không thể cứ để tình trạng Quốc hội phải “bắc nước chờ gạo”.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, về phía Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng rất quyết liệt, trong các kỳ họp đều có nội dung này và tổ chức kỳ họp chuyên đề. Tuy nhiên, những hạn chế như đã nêu vẫn tồn tại. Theo bà Tiến, dù các bộ, ngành đã rất tích cực, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân sâu xa do trình độ xây dựng pháp luật còn hạn chế.

Đề cập đến những hạn chế, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Phòng, chống HIV/AIDS (sửa đổi), Luật Dự phòng, nâng cao sức khỏe... chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên.

Cũng theo ông Định, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức. Chính phủ chưa bố trí thời gian để thảo luận bàn sâu về chính sách cụ thể của mỗi dự án.

“Trong quá trình soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, người đứng đầu một số cơ quan soạn thảo dành thời gian để tham gia ít, chủ yếu giao cho cấp dưới. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình. Phát biểu của nhiều đại biểu còn trùng lặp, chưa tập trung vào những nội dung cần xin ý kiến. Kỹ thuật văn bản còn một số điểm chưa thống nhất. Nhiều trường hợp gửi hồ sơ dự án đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định”, ông Định cho hay.  

MỚI - NÓNG