Đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức: Giảm bớt tiêu chí hình thức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thực tế triển khai cho thấy, các đối tượng đánh giá có nội dung “na ná” giống nhau, gây tâm lý nặng nề, nhàm chán, miễn cưỡng khi tổ chức đánh giá.
Đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức: Giảm bớt tiêu chí hình thức ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học ngày 5/7

Ngày 5/7, Viện Khoa học tổ chức Nhà nước và Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”.

Hội thảo nhằm nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phục vụ việc xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 10 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Vân - Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là một công việc quan trọng nhằm cung cấp thông tin về mức độ nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức sau khi được bồi dưỡng.

TS. Nguyễn Ngọc Vân cho rằng, đo lường, đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là một việc rất khó, bởi chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào, quá trình bồi dưỡng và được thể hiện ở kiến thức, kỹ năng, thái độ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức sau quá trình bồi dưỡng.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Chuyên viên cao cấp, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho rằng, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không phải là vấn đề mới đối với Việt Nam và thế giới. Hoạt động này luôn được quan tâm nhằm bảo đảm cho việc dạy và học không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng thông qua khắc phục các hạn chế, bất cập của công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Thực tế triển khai cho thấy, các đối tượng đánh giá có nội dung “na ná” giống nhau, gây tâm lý nặng nề, nhàm chán, miễn cưỡng khi tổ chức đánh giá. Các tiêu chí, chỉ báo khá phức tạp, rườm rà, không thật sự cần thiết hoặc khó đánh giá, khó trả lời, gây rối, nhầm lẫn cho đối tượng trả lời.

Do đó, ông Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, cần mở rộng quyền tham gia giảng dạy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; trao quyền cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc lựa chọn cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; và công tác cán bộ hay công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức cần chuyển dứt khoát từ mô hình chức nghiệp sang mô hình vị trí việc làm.

Tham khảo đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc

Trong khi đó, TS. Hà Quang Trường - Viện Khoa học tổ chức Nhà nước cho rằng: Cần sửa đổi hệ thống nội dung, tiêu chí, chỉ báo theo hướng giảm bớt các tiêu chí, chỉ báo không cần thiết phục vụ đánh giá cơ bản cho các khóa bồi dưỡng. Xây dựng 3 mẫu phiếu đánh giá cơ bản, gồm phiếu đánh giá chất lượng bồi dưỡng dành cho học viên; phiếu đánh giá chất lượng bồi dưỡng dành cho giảng viên; và phiếu đánh giá hiệu quả sau bồi dưỡng dành cho cựu học viên, đồng nghiệp của cựu học viên, thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

TS. Nguyễn Hải Thập - nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất quan tâm đến chương trình bồi dưỡng phù hợp với chức danh vị trí việc làm, mỗi chuyên đề sẽ hình thành năng lực nào đó trong chức danh nghề nghiệp, do đó, cần có hướng dẫn chi tiết về đánh giá chương trình bồi dưỡng.

“Cần tham khảo cách đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, áp dụng công nghệ để con người không thể can thiệp vào việc đánh giá; xây dựng ngân hàng đề thi, chấm thi bằng công nghệ, đây là mới là cái quan trọng nhất để đánh giá kết quả bồi dưỡng”, TS. Nguyễn Hải Thập nhấn mạnh.

TS. Tạ Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đồng tình với đề xuất nên thành lập/ giao nhiệm vụ cho một tổ chức chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để kết quả đánh giá đảm bảo độ giá trị, độ tin cậy.

MỚI - NÓNG