Đánh đổi đất vàng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, một thành viên trong Hội giày da tỉnh Bình Dương nói với tôi rằng họ chấp nhận sẽ di dời công ty ra khỏi khu dân cư, đổi lại rất cần được chính quyền tiếp sức, không để doanh nghiệp tự bơi.

Không phải đến bây giờ, câu chuyện di dời các nhà máy, công ty đóng ở trong khu dân cư đến các cụm, khu công nghiệp mới được tỉnh Bình Dương bàn tới. Tôi còn nhớ năm 2010, khi nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ hiển hiện và tiếng ồn tra tấn các khu nhà dân, tỉnh này đã bắt tay vận động các chủ doanh nghiệp, nhà xưởng tìm nơi “ở mới”.

Hỗ trợ họ ra khỏi khu dân cư và đến các khu công nghiệp, tránh để người dân bất an là cách mà Bình Dương tiên phong. Việc làm này thực sự mang nhiều ý nghĩa, các mảnh đất từ các nhà máy để lại giúp Bình Dương đấu giá thu tiền về cho ngân sách, đặc biệt góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, thông minh, hiện đại. Tổng kết của cuộc vận động này, đã có khoảng 150 nhà máy, doanh nghiệp dời đi.

Đầu năm 2023, Bình Dương bắt đầu rốt ráo hơn về đề án di dời các nhà máy, doanh nghiệp khỏi khu dân cư và tháng 6 tới sẽ trình Hội đồng nhân dân thông qua. Nếu như mọi chuyện suôn sẻ, tháng 1/2024 những doanh nghiệp đầu tiên trong tổng số gần 3.000 doanh nghiệp nơi đây sẽ di dời. Một lộ trình đã được vạch ra đến năm 2030, nhưng quan trọng hơn đó là doanh nghiệp “ra đi” sẽ được gì? Người lao động có bị ảnh hưởng? Những trăn trở này cũng được lãnh đạo tỉnh Bình Dương giải đáp. Cụ thể, ngoài hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển đổi công năng, tỉnh hỗ trợ tiền thuê đất, chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng và lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới. Đề án này cũng quan tâm đến người lao động, đó là vẫn đảm bảo quyền lợi cho họ như hỗ trợ bằng 3 tháng tiền lương, đào tạo nghề nếu họ muốn chuyển đổi… Đặc biệt, với khoảng 1.800 ha đất sau khi nhà máy, công ty dời đi, sẽ dùng để xây dựng công viên, nhà ở cho người thu nhập thấp…

Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, trong việc ủng hộ đề án di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư, nếu chính quyền làm đúng như quy hoạch, cam kết, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động, đảm bảo môi trường đô thị bớt đi nhiều ô nhiễm… thì không có gì phải bàn. Ngược lại, đâu đó vẫn còn những băn khoăn, liệu sau khi di dời nhà máy, những mảnh đất trung tâm, “đất vàng” có nguy cơ rơi vào tay những “đại gia” đầu cơ (?!). Điều này chưa phải là chưa từng xảy ra. Điển hình như tại TPHCM, đã không ít những khu đất vàng của các doanh nghiệp nhà nước trước đây được dùng không đúng mục đích.

Doanh nghiệp dời khỏi trung tâm thành phố ra các khu công nghiệp, là sự đánh đổi để thành phố an toàn, được quy hoạch bài bản, sạch đẹp hơn. Nhưng doanh nghiệp và người lao động cũng mong mỏi, chính quyền địa phương cần có những cam kết rõ ràng về những chính sách hỗ trợ, tránh vết xe đổ khiến không ít khu đất công về tay “cá mập” hoặc sử dụng không đúng mục đích.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.