Có thể đó là câu đáp trả vỗ mặt. Nhưng có một thực tế là trong lúc tổng thống Pháp đang dự thượng đỉnh G-20, ông hoàn toàn có lý do để lo lắng bởi tại quê nhà, phong trào biểu tình chống chính sách giá nhiên liệu của ông đã biến Paris thành một thành phố hỗn loạn: Cửa hàng bị đập phá, cướp bóc, xe cộ bị đốt cháy.
Cuộc bạo động ở Paris được xem là tồi tệ nhất trong gần 70 năm qua. Theo giới quan sát, các cuộc biểu tình của nhóm “áo khoác vàng” ban đầu được hiểu là để đáp trả chuyện thuế nhiên liệu. Giá diesel tại Pháp đã tăng 16% kể từ đầu năm, từ trung bình 1,24 euro (32.700 đồng)/lít lên 1,48 euro (gần 40.000 đồng)/lít và đến tháng 10 lên tiếp tới mức 1,53 euro (gần 41.000 đồng)/lít, theo liên đoàn công nghiệp dầu mỏ Pháp (UFIP).
Giá tăng chủ yếu do giá bán sỉ tăng khi dầu thô Brent tăng hơn 20% trong nửa đầu năm 2018 từ mức 60USD/thùng lên 86,07USD/thùng. Tổng thống Macron đang chịu đựng sự giận dữ từ nhiều người dân cho dù việc tăng giá dầu là bất khả kháng. Lý do là bởi ông tổng thống trẻ tuổi này đã mở rộng chính sách môi trường bằng các sắc thuế đánh vào xăng dầu, vốn đã được thực thi từ thời tổng thống tiền nhiệm Fran-ois Hollande.
Nhưng nếu chỉ vì chuyện giá xăng dầu thì có lẽ phản ứng bằng việc đập phá, cướp bóc, đốt xe cộ xem ra không giống với hành vi của người dân một nước được xem là trung tâm của châu Âu. Đằng sau việc này, theo một số nhà quan sát, hàm chứa những ý nghĩa sâu xa hơn nhiều.
Kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi các nước phương Tây chuyển qua một mô hình kinh tế mới với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, người dân đã giàu có hơn rất nhiều. Nhưng sự giàu có đó không được phủ đều và trong khi những người khác ngày càng sung túc thì tầng lớp dưới trung lưu lại mỗi ngày mỗi khốn khó. Sự giàu có của cộng đồng tỷ lệ nghịch với khó khăn của lớp người nghèo này.
Nghịch lý nằm ở chỗ điều này không bắt nguồn từ một mô hình kinh tế toàn cầu hóa thất bại mà trái lại, từ sự thành công của nó.
Theo Christophe Guilluy, tác giả cuốn sách “Hoàng hôn của những tinh hoa: Sự thịnh vượng, chu vi và tương lai của nước Pháp”, trong những thập kỷ gần đây, giống như nhiều nước châu Âu và Mỹ, Pháp tiếp tục tạo ra và tích lũy của cải. Dân Pháp nói chung giàu hơn trước. Tuy nhiên, cùng lúc đó, nạn thất nghiệp, mất an ninh, thậm chí là nghèo đói cũng tăng. Câu hỏi cốt lõi do đó không phải là liệu một nền kinh tế toàn cầu hóa có hiệu quả hay không, mà phải làm gì với mô hình này nếu nó không thể tạo ra và nuôi dưỡng một xã hội gắn kết?
Sự thay đổi mô hình kinh tế không hẳn là gạt người nghèo qua một bên, mà trong mô hình này, công ăn việc làm ngày càng bị phân cực nghiêm trọng: của cải và việc làm ngày càng được tập trung ở các thành phố lớn. (Có phải đây là lý do nhiều kẻ đốt phá Paris đến từ các vùng ngoại thành, như lời cảnh sát Pháp?).
Các vùng mất đi hoạt động công nghiệp, vùng nông thôn, các thị tứ nhỏ và vừa ngày càng trở nên mất động lực phát triển, trở thành những nơi “ao tù nước đọng”, là “vùng ngoại biên của nước Pháp”, theo cách gọi của tác giả Guilluy. Đây chính là nơi giới công nhân, dân lao động phổ thông cư trú.
Những thành phố lớn, toàn cầu hóa, như Paris đã trở thành những thành trì như thời phong kiến trong thế kỷ 21, nơi luôn hiện diện sự giàu có và bất bình đẳng. Ở đây không có chỗ cho tầng lớp dưới trung lưu. Nghịch lý của một xã hội toàn cầu hóa, xã hội mở là nó đang đóng cửa đối với đa số dân lao động.