Đằng sau diễn tiến mới ở eo biển Đài Loan

Hai máy bay chiến đấu J-11 và một máy bay ném bom H-6K của Không quân Trung Quốc bay giữa đại lục và Đài Loan. Ảnh: Tân Hoa Xã
Hai máy bay chiến đấu J-11 và một máy bay ném bom H-6K của Không quân Trung Quốc bay giữa đại lục và Đài Loan. Ảnh: Tân Hoa Xã
TP - Đài Bắc hôm qua tố Trung Quốc đại lục hành động “bất cẩn và khiêu khích” khi đưa 2 máy bay chiến đấu vượt qua đường phân định trên biển ngăn cách hòn đảo này với đại lục. Trước đó có thông tin Mỹ đã ngầm chấp thuận thương vụ bán 60 máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Bắc.

Đài Bắc cho biết họ đã điều máy bay ra chặn và phát thông tin cảnh báo sau khi 2 máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đại lục vượt qua đường ranh giới trên eo biển Đài Loan, còn gọi là đường trung tuyến, vào trưa 31/3.

“2 máy bay J-11 của không quân Trung Quốc (đại lục) đã vi phạm thỏa thuận ngầm lâu nay khi vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan. Đây là hành động chủ ý, bất cẩn và khiêu khích. Chúng tôi đã thông báo cho các đối tác khu vực và lên án Trung Quốc (đại lục) vì hành động đó”, CNA dẫn tuyên bố của Cơ quan ngoại giao Đài Loan.

Nếu thông tin đúng như phía Đài Loan nói, đây là vụ “xâm phạm” đầu tiên như vậy của Trung Quốc đại lục trong nhiều năm gần đây, CNN dẫn lời bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington.

Theo chuyên gia này, trong khoảng 20 năm qua các máy bay của Trung Quốc đại lục thường bay dọc đường trung tuyến, nhưng rồi lại quay đầu hoặc nếu vượt quá cũng quay lại ngay, chứ không ở lại lâu như lần này. Theo báo chí Đài Loan, vụ việc hôm 31/3 vừa qua dẫn đến cuộc đối đầu kéo dài 10 phút giữa máy bay của hai phía.

Cú sốc chính trị

Trước vụ việc này, báo chí quốc tế đưa tin các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngầm chấp thuận với đề nghị của Đài Bắc về việc mua hơn 60 chiếc F-16 của hãng Lockheed Martin. Nếu sự thật, đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên kể từ năm 1992.

Theo các chuyên gia, vài chục chiếc máy bay chiến đấu khó có thể giúp thay đổi cán cân sức mạnh với một quân đội Trung Quốc ngày càng mạnh lên, nhưng thỏa thuận được coi là tín hiệu cho thấy sự thay đổi của Mỹ, theo hướng sẵn sàng hậu thuẫn cho đảo Đài Loan.

“Đối với Bắc Kinh, đây sẽ là cú sốc lớn. Nhưng đây là cú sốc chính trị nhiều hơn là cú sốc quân sự. Trung Quốc sẽ nghĩ: "Ồ, Mỹ không quan tâm chúng ta cảm thấy thế nào nữa rồi. Đó sẽ là vấn đề mang tính biểu tượng nhiều hơn”, Bloomberg dẫn lời ông Wu Shang-su, nhà nghiên cứu công tác tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam tại Singapore.

Thương vụ bán các máy bay F-16 chỉ là một trong nhiều cử chỉ ủng hộ mà Mỹ thể hiện với Đài Loan trong những tháng gần đây, dù cho ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tiến gần một thỏa thuận để kết thúc cuộc chiến thương mại tốn kém. Trong thời gian qua, Mỹ định kỳ đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan và đón nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn dừng chân tại Hawaii vào tuần trước, khiến Trung Quốc nổi giận và gọi đây là diễn biến “cực kỳ nguy hiểm”.

Theo các chuyên gia, những diễn biến này cho thấy Mỹ đang hứng thú trở lại với vấn đề Đài Loan, trong bối cảnh đang có tiếng nói ngày càng lớn hơn ở Washington về việc phải ngăn chặn Trung Quốc đánh bại vị trí thống trị của Mỹ về quân sự và công nghiệp. Có lẽ không nơi nào cảm nhận rõ sự thay đổi quyền lực hơn ở Đài Loan, hòn đảo với 23,6 triệu dân mà Trung Quốc luôn tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát bằng vũ lực, cho dù hòn đảo đã qua 70 năm tự trị.

Trung Quốc đại lục đã đầu tư rất nhiều để nâng cao sức mạnh quân sự của mình trong 2 thập kỷ qua, xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh và đưa tên lửa ra gần bờ biển để có thể nhằm trúng các mục tiêu ở Đài Loan. Mức chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh lớn hơn 23 lần của Đài Bắc trong năm 2017. Vì thế, những chiếc F-16 mới “sẽ không thay đổi cân bằng lực lượng cơ bản ở hai bờ eo biển, hay loại bỏ mối đe dọa từ việc Trung Quốc giành lại Đài Loan bằng vũ lực”, ông  Scott Harold, phó giám đốc Trung tâm chính sách châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức nghiên cứu Rand Corp, đánh giá.

Các nhà phân tích của tổ chức này nói trong báo cáo đưa ra năm 2016 rằng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn phức tạp của Trung Quốc có thể “chặn tất cả đường thoát của nửa tá căn cứ máy bay chiến đấu chính của Đài Loan và phá hủy tất cả các máy bay nếu xung đột nổ ra”. Bất kỳ máy bay nào cất cánh từ Đài Loan cũng có thể đối mặt với các phi công Trung Quốc lái J-20 - những chiếc máy bay tàng hình thế hệ 5 được đánh giá là đối thủ của F-22 và F-35 của hãng Lockheed.

Tuy nhiên, thương vụ bán F-16 cho Đài Loan cho thấy một bước chuyển chính sách của Mỹ. Theo Đạo luật quan hệ với Đài Loan năm 1979, Washington chỉ được bán cho Đài Bắc các loại vũ khí mang tính chất phòng vệ. Tổng thống Mỹ trước đây là ông Bill Clinton nhiều lần gạt bỏ đề nghị của Đài Loan về việc mua máy bay chiến đấu mới và các hệ thống vũ khí tân tiến khác có thể kích động Bắc Kinh. Năm 2011, Tổng thống Barack Obama chỉ đồng ý nâng cấp đội tàu bay F-16 đã cũ của Đài Loan.

Trong chuyến thăm Hawaii tuần trước, bà Thái Anh Văn nói rằng thương vụ mua máy bay chiến đấu mới của Mỹ sẽ “tăng cường đáng kể năng lực trên bộ và trên không của chúng tôi, tăng cường tinh thần quân đội và thể hiện với thế giới về những cam kết của Mỹ với Đài Loan”.

MỚI - NÓNG