Đắng lòng thiếu nữ vùng cao làm mẹ từ tuổi 15

Đắng lòng thiếu nữ vùng cao làm mẹ từ tuổi 15
TPO - Đang trong tuổi ăn, tuổi học nhưng một số sơn nữ vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đăk Lăk đã phải làm vợ, làm mẹ.

Đắng lòng thiếu nữ vùng cao làm mẹ từ tuổi 15

> Những nạn nhân nhí của tục “cướp vợ”
> Cô dâu... tuổi 19

TPO - Đang trong tuổi ăn, tuổi học nhưng một số sơn nữ vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đăk Lăk đã phải làm vợ, làm mẹ.

Các bé gái phải lao động sớm
Các bé gái phải lao động sớm.

Chúng tôi có mặt ở xã Cư K’Bang (huyện Ea Súp, Đăk Lăk) vào một ngày đầu mùa khô cuối tháng 11. Thấp thoáng trên hàng rào bên đường là những bộ váy áo sặc sỡ của đồng bào dân tộc Mông cùng với những căn nhà nhỏ thấp lè tè được dựng tạm bằng ván, tôn. Những đứa trẻ nhỏ tụm năm, tụm bảy chơi đùa, tóc cháy vàng và làn da đen sạm vì nắng.

Bên căn nhà nhỏ, chị Thào Thị Lan một tay bồng đứa con chưa đầy một tuổi, tay kia tranh thủ nhặt ít rau dại để chuẩn bị bữa tối cho cả gia đình. Năm nay chị Lan 20 tuổi nhưng đã có 3 mặt con, đứa lớn mới lên 5 tuổi. Vóc dáng bé nhỏ, già nua của thiếu phụ tuổi đôi mươi thể hiện rõ ràng hậu quả của việc sinh con quá sớm.

Hằng ngày chị phải địu con chưa tròn một tuổi lên rẫy để phụ chồng làm 5 sào rẫy . Đất xấu lại thiếu nước tưới nên vụ lúa năm nay cũng chỉ được chừng 20 chục bao, 5 miệng ăn trong nhà dẫu tiết kiệm cũng chỉ ăn được 6-7 tháng là hết. “Thiếu gạo, hai vợ chồng phải để con ở nhà mà đi làm thuê kiếm tiền mua gạo về cho con, không thì ăn củ mỳ với rau rừng trừ bữa thôi”- chị kể.

đứa trẻ trong một gia đình người Mông ở huyện Lăk, Đăk Lăk
đứa trẻ trong một gia đình người Mông ở huyện Lăk, Đăk Lăk.

Dẫn tôi đi thực tế, chị Hoàng Thị Trâm cán bộ dân số của xã ngao ngán: “Đồng bào từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào địa bàn xã rồi lập làng ở quần cư với nhau. Do tập tục dựng vợ, gả chồng cho con sớm nên tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã diễn ra nhiều và nóng nhất trên toàn huyện”.

Chị dẫn tôi vào nhà cặp vợ chồng Vàng A Kính (SN 1989) và Sùng Thị Mỵ (SN 1996) để chứng minh. Năm 2011, Kính và Mỵ tổ chức đám cưới, khi đó Mỵ mới 15 tuổi.

Trong căn nhà ván trống huơ, trống hoác mới được dựng lên chỉ có mấy cái nồi con con và chiếc giường ngủ của hai vợ chồng, quần áo không có chỗ để chất đống trên dường.

Mỵ nhỏ thó ngồi nép sau thân hình hộ pháp của chồng, e ấp khi được hỏi đến chuyện riêng - “Em chẳng được đi học, từ nhỏ đến lớn chỉ biết bồng em và lên rẫy. Đến tuổi mẹ em bảo lớn rồi, để A Kính bắt về làm chồng, không lấy là ế ! Thế là đi lấy chồng thôi! ”- Mỵ hồn nhiên tâm sự.

A Kính từng có một đời vợ nhưng vì gia cảnh nghèo nên vợ đã bỏ đi theo người khác. Anh bỏ quê cũ vào đây lập nghiệp. Sau những lần đi làm rẫy, những đêm trăng trai gái hẹn hò thì A Kính quen Mỵ. Gia đình đôi bên dễ dàng chấp thuận cho họ thành vợ chồng để tự ra ngoài kiếm ăn.

Vợ chồng Mỵ trong căn nhà mới
Vợ chồng Mỵ trong căn nhà mới.

Với 7 sào rẫy sang lại từ tay người khác, cố gắng bỏ công chăm sóc cũng chỉ đủ cho hai vợ chồng ăn mặc, chắt bóp chi tiêu. “ Sinh con ra không biết lấy gì cho chúng ăn, đất rẫy phá trái phép nên Nhà nước đang rục rịch thu lại. Nếu không có đất sản xuất, lại phải dắt díu nhau đi sang vùng đất mới kiếm ăn thôi”- A Kính dự tính.

Phó Chủ tịch xã Cư K’Bang Trương Ngọc Thảo cho biết : từ năm 2007- 2012 có gần 1.000 hộ đồng bào di cư tự do vào định cư tại địa bàn xã. Điều này đã tạo áp lực quản lý rất nặng, phá vỡ những quy hoạch, mục tiêu kinh tế xã hội đề ra của xã. Đặc biệt, 3.000 ha rừng do xã quản lý đang bị xâm phạm nghiêm trọng vì dân thiếu đất sản xuất.

Không riêng gì ở xã Cư K’ Bang, nạn tảo hôn còn diễn ra trên nhiều vùng của tỉnh Đăk Lăk. Theo thống kê của Chi cục DSKHHGĐ tỉnh Đăk Lăk, từ năm 2008 đến tháng 6-2012 có 571 cặp tảo hôn. Chị H’Lê Niê, Trưởng phòng DSKHHGĐ nhận định “tỉ lệ tảo hôn nhiều nhất là vùng sâu, vùng xa, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tập quán lạc hậu lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thể bỏ”

Vạn Tiếp

Theo Viết
MỚI - NÓNG