Khối ngành nào nhiều chỉ tiêu nhất?
Thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2019 cho thấy trong 7 khối ngành được phân chia thì khối ngành 5, bao gồm các ngành công nghệ, kỹ thuật, sản xuất, chế biến… có chỉ tiêu lớn nhất với tổng số hơn 159.000 chỉ tiêu; tiếp đó là khối ngành 3, gồm các ngành kinh doanh, quản lý với gần 126.500 chỉ tiêu. Khối ngành 3 cũng là khối ngành có số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều nhất với gần 823.000/2,5 triệu nguyện vọng.
Tuy nhiên, khối ngành có tỷ lệ chọi cao nhất là khối ngành 7, gồm các ngành khoa học xã hội và an ninh quốc phòng, với tỷ lệ 7,1 nguyện vọng/chỉ tiêu. Thí sinh vẫn tập trung xét tuyển theo các tổ hợp thi truyền thống là khối A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, văn, ngoại ngữ), B00 (toán, hóa, sinh), C00 (văn, sử, địa) và D01 (toán, văn, tiếng anh). Ngoài các tổ hợp truyền thống còn có 133 tổ hợp khác được các trường đăng ký xét tuyển với bộ. Tuy nhiên, 133 tổ hợp này chỉ có chưa đến 10% thí sinh đăng ký. Có tới trên 90% thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các tổ hợp truyền thống.
Thời gian vừa qua, tại một số trường ĐH ở khu vực phía Nam, kết quả xét tuyển bằng học bạ cũng cho thấy ngành kinh tế được phần lớn thí sinh lựa chọn. Ở trường ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF) TPHCM, số lượng hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT nộp về tăng nhanh ở ngành học như: Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing, Quản trị khách sạn, Ngôn ngữ Anh. Tương tự, tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành ngành Quản trị Kinh doanh đang dẫn đầu hồ sơ xét tuyển với con số khá ấn tượng (5.000 hồ sơ), kế đến là ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Công nghệ Thông tin, Quản trị Khách sạn (đạt 2.150 hồ sơ), ngành Ngôn ngữ Anh cũng có 1.734 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cũng cho biết đã nhận được khoảng 6.500 nguyện vọng đăng ký xét bằng học bạ.
Thống kê bước đầu cho thấy không có quá nhiều khác biệt so với các năm trước. Nhìn chung, các ngành kinh tế - quản trị: Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh doanh quốc tế hay ngoại ngữ như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều thí sinh. Đối với nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ, hai ngành Công nghệ Thông tin và Công nghệ Kỹ thuật ô tô tiếp tục có số lượng hồ sơ xét tuyển đông nhất.
Theo ông Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Truyền thông, trường ĐH Thương mại cho biết lĩnh vực kinh tế tuy chiếm số lượng lớn nguyện vọng đăng ký nhưng có nhiều trường đào tạo. Chính vì thế quan trọng là thí sinh phải chọn được trường có uy tín, những ngành đang có nhu cầu nhân lực cao.
Ngành y dược tuy tỷ lệ chọi hằng năm không cao nhưng điểm chuẩn luôn ở top đầu. Với khối ngành này, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên bộ môn Sinh học, trường THPT chuyên ĐH Sư phạm cho rằng thí sinh ngoài quan tâm đến lực học, nên quan tâm đến vấn đề học phí. Từ thực tế của trường ĐH Y dược thành phố Hồ Chí Minh tăng học phí lên 4-5 lần so với năm trước, thầy Nguyễn Thành Công cho rằng, khi các trường ĐH tự chủ, họ sẽ chuyển mình thành một “doanh nghiệp giáo dục”. Mức độ bao cấp và hỗ trợ của Nhà nước sẽ giảm dần và các trường phải tự bơi để sống sót.
“Ðặt cược” ở những nguyện vọng đầu
Số liệu năm 2019 của Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra rằng cả nước có trên 2,5 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển là 653.278 em. Theo đó, trung bình, mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển 3,9 nguyện vọng. Thí sinh đăng ký nhiều nhất là 50 nguyện vọng.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết: Theo số liệu của Vụ thì trong thời gian qua, khi cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, hầu hết các em trúng tuyển và nhập học với 3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển trong những đợt xét tuyển lần 3, 4, 5 chiếm tỷ lệ rất ít. Vì thế, dù có những thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhưng nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 thì sẽ không sử dụng tới nguyện vọng thứ 3, 4 nữa. Do đó, PGS.TS Thủy khuyên thí sinh vẫn cần phải xác định được nguyện vọng 1, 2 là nguyện vọng chính, quan trọng nhất, phù hợp với năng lực và mong muốn của mình.
Còn khi tư vấn, các chuyên gia cho rằng chọn ngành học thí sinh nên lắng nghe chính bản thân mình xem mình thích gì, tìm hiểu ngành đó có những thuận lợi, vất vả như thế nào nếu theo học, nhu cầu tuyển dụng ra sao, chứ không nên chọn theo bạn bè hoặc “chọn đại”.