Mục tiêu cụ thể của đề án giai đoạn 2011-2015 và 2020 là tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%; mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 75% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT; Từng bước đổi mới cơ chế tài chính, phấn đấu đến năm 2015 giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40%.
Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể liên quan chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân có BHYT như: Nâng cao tinh thần, thái độ đạo đức nghề nghiệp của y bác sỹ, phát triển y tế tuyến dưới, hạn chế chuyển vượt tuyến, xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh; đổi mới áp dụng phương pháp thanh toán, chi trả phù hợp như chi trả trọn gói theo ca bệnh, hoặc theo nhóm chẩn đoán; nghiên cứu xây dựng gói quyền lợi BHYT...
Dân ít mặn mà
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), thừa nhận rằng, thực hiện mục tiêu này là không dễ dàng. Chẳng hạn, trẻ dưới sáu tuổi được miễn phí hoàn toàn nhưng dưới cơ sở vẫn chưa làm thẻ khiến bố mẹ nhiều cháu vẫn phải chi trả.
Hiện tại những đối tượng tự nguyện tham gia BHYT còn rất thấp, chủ yếu ở nhóm mắc bệnh mãn tính và những bệnh có chi phí điều trị cao. Đặc biệt, người cận nghèo rất ít tham gia BHYT dù đã có chính sách hỗ trợ tới 70% chi phí.
Bà Hương cho biết, đó là do quyền lợi của BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu của người được cấp thẻ và, quan trọng hơn cả, do chất lượng khám chữa bệnh (KCB) còn rất thấp như quá tải bệnh viện, lạm dụng quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận dịch vụ KCB bằng thẻ BHYT không được như mong đợi. Cả nước có 3.500 cơ sở y tế tư nhân nhưng BHYT chỉ liên kết được gần 300 cơ sở.
Tại nhiều cơ sở y tế công lập, phần lớn bệnh nhân có BHYT vẫn gặp khó khăn để thụ hưởng quyền lợi, nhất là những bệnh nhân phải cùng chi trả từ 5 đến 20% chi phí.
Các đối tượng khó vận động nhất ấy, theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, thuộc nhóm gần 40% dân số chưa tham gia BHYT
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, BHYT như hàng hóa; muốn dân mua thì phải đảm bảo rẻ về giá thành, tốt về chất lượng.