Dân số của Việt Nam đang già hóa nhanh chóng
Kết quả điều tra biến động dân số năm 2012 cho thấy, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng và tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10,2% trong tổng dân số.
Điều này là do tuổi thọ tăng lên trong khi tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết giảm. Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn "già hóa" sang cơ cấu dân số "già" sẽ ngắn hơn nhiều (chưa đến 20 năm) so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn.
Kiểm tra sức khỏe cho người già cô đơn không nơi nương tựa. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN). |
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về già hóa dân số" do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức đã khai mạc sáng 25/9, tại Hà Nội.
Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, già hóa dân số là một trong những thách thức đáng kể nhất của thế kỷ 21. Hiện nay, cứ khoảng 10 người thì có 1 người trên 60 tuổi.
Theo dự báo, đến năm 2050, cứ 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Già hóa dân số diễn ra nhanh nhất ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự hội thảo, có nhiều thách thức cần giải quyết đối với vấn đề già hóa dân số, trong đó có vấn đề thu nhập không được đảm bảo, an sinh xã hội chưa đầy đủ, năng lực hạn chế của hệ thống y tế...
Kết quả Điều tra người cao tuổi Việt Nam năm 2011 cho thấy 39% người cao tuổi hiện vẫn làm việc, tỷ lệ người cao tuổi ở vùng nông thôn và phụ nữ cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động cao hơn đáng kể so với người cao tuổi sinh sống tại đô thị và nam giới cao tuổi.
Tuy nhiên, thu nhập của người cao tuổi thường thấp và không ổn định và có 17% người cao tuổi thuộc diện nghèo. Chăm sóc người cao tuổi là một cấu phần chính sách quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước.
Sau khi Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 được phê duyệt, các vấn đề liên quan đến người cao tuổi đã được đưa vào các chính sách và chương trình của Chính phủ. Song, vì nhóm dân số cao tuổi tiếp tục tăng nên Việt Nam cần có những chính sách, chiến lược thực tế và phù hợp để đảm bảo các vấn đề và nhu cầu của người cao tuổi được đưa vào trong các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong hai ngày diễn ra hội thảo (25-26/9), các chuyên gia đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Isarel sẽ chia sẻ những ví dụ và các chương trình can thiệp giúp giải quyết thành công vấn đề già hóa và các mối quan ngại của người cao tuổi. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ những thành công và thất bại của các quốc gia này trong việc nắm bắt cơ hội và giải quyết các thách thức trong quá trình chuyển đổi nhân khẩu học.
Theo Thu Phương
TTXVN