Đàn sáo đại ngàn

Đàn sáo đại ngàn
TP - Giữa đại ngàn Trường Sơn, Alăng Avel và Ating Pâng - những tiên ông giờ đây được xem như báu vật sống của người Cơtu…

Huyền thoại sống

Alăng Avel đã 89 tuổi, người chắc nịch như cây gỗ lim, nói cười sảng khoái. Bản Tà Làng nằm lọt thỏm dưới thung lũng Trường Sơn, bên dòng sông cuộn chảy. Nhìn xa trông rộng trước nguy cơ luôn bị nước lũ bao vây, Avel bày cho con cháu, cất cho mình mái nhà cao vút, như tổ chim đậu trên cây, chắc chắn và vững chãi. Nhưng Avel đặc biệt tài hoa ở lĩnh vực khác: âm nhạc. Bí thư huyện ủy Tây Giang Bhriu Liếc kể rằng, người Cơtu miền biên ải Hiên - Giằng (Đông, Tây và Nam Giang hiện nay) nhiều cụ già biết chơi, chế tác nhạc cụ. Nhưng chưa ai thông thạo cả hai, trừ hai già làng Alăng Avel và Ating Pâng.

Già Alăng Avel 89 tuổi nhưng chưa bao giờ uống một giọt rượu, ngụm bia. Già chỉ nghiện thuốc lào, mỗi ngày hút không dưới 10 lần, nhưng giọng hát vẫn trong veo, thăm thẳm.

Avel lớn lên bên dòng Tà Làng, khả năng chế tác và chơi các nhạc cụ phát tiết từ năm 10 tuổi. “Không ai bày vẽ cả, thời xưa nhìn ông nội làm đàn, sáo nên mày mò làm theo. Không ngờ mê luôn từ đó” - già làng Avel cười rung cả mái nhà. Nhạc cụ đầu tiên mà Avel làm được từ năm 10 tuổi là chiếc khèn Cơtu, với thời gian gần 1 tháng. Thật kỳ lạ, chiếc khèn này lại là loại khó làm nhất trong bộ nhạc cụ của người Cơtu. Chiếc khèn ấy theo Avel đến tận bây giờ. Tuổi đời chiếc khèn thua tuổi chủ nhân của nó 10 năm nên từng ống tre lên nước bóng loáng. Nhiều lần chiếc khèn bị hư, Avel phải thay dây buộc hoặc một vài ống nứa, nhưng thớt gỗ giữa thân khèn thì mãi mãi vậy. Giờ đây, gia tài trong căn nhà gỗ của Alăng Avel chỉ còn thiếu aguay – tức đàn môi và một chiếc khèn bằng đồng. Còn lại, tất cả các loại nhạc cụ Cơtu gồm: khèn, apel (1 loại sáo), tarel, aher, tuat, kazool, kartooc, tampreenh, ahreng, tage… đều đầy đủ. Avel chơi thành thạo tất cả các loại nhạc cụ này và có lẽ là người Cơtu độc nhất vô nhị có khả năng thẩm thấu cũng như biến hóa từng nốt trên phím khèn và lỗ nhị. Kỳ lạ hơn, Avel chưa bao giờ qua một trường lớp, một nghệ nhân nào truyền thụ. “Già là sư phụ của chính mình đấy” - AVel lại cười, nụ cười phá tan sương lạnh giữa đông đại ngàn.

Trẻ hơn chục tuổi, nhưng vóc dáng quắc thước, ánh mắt tinh anh và đặc biệt chòm râu bạc trắng của già Ating Pâng dường như đúc ra cùng một khuôn với già Alăng Avel. Cùng sáng chế được nhiều nhạc cụ Cơtu như đàn, sáo, nhị, tampreenh…, nhưng chiếc đàn 2 dây có tên Andhrứt mới là tuyệt kỹ của già Pâng - điều mà Avel còn thiếu. Già Pâng ở thôn A Duông 1, thị trấn Prao, Đông Giang. Chiếc Andhứt được già Pâng làm từ năm 16 tuổi, bằng gỗ dổi vàng, giờ đây đã có thể soi gương. 16 tuổi, già Pâng theo bố học đàn Andhứt và học cách chế tác nhạc cụ. Người bố kinh ngạc khi biết, chỉ sau mấy ngày được chỉ bảo, chàng trai Ating Pâng đã cho ra đời chiếc đàn 2 dây và chơi như một nghệ sĩ thực thụ. 20 tuổi, Ating Pâng xung vào đội văn công hỏa tuyến Trường Sơn. Cung đoạn Hiên - Giằng hồi đó thường xuyên rôm rả bởi tiếng đàn hát trong trẻo, trầm hùng của Ating Pâng.

Bí thư huyện ủy Tây Giang Bhriu Liếc kể rằng, dù với dân tộc nào, âm nhạc cũng là phần không thể thiếu trong đời sống, với người Cơtu, nó lại quan trọng bội phần. Ngoảnh đi nhìn lại, những cây đa cây đề cứ lần lượt ra đi, giờ đây, Ating Pâng và Alăng Avel – hai già làng tuổi đã cao nhưng vẫn còn phong độ được xem như của hiếm, là huyền thoại sống của người Cơtu định hình trên dãy Trường Sơn.

Đàn sáo của tình yêu

Alăng Avel cầm chiếc khèn ra nương rẫy, thổi điệu trầm hùng. Tiếng khèn réo rắt là vũ khí bí mật giúp già AVel sống trường thọ, sừng sững quắc thước. Cũng tiếng khèn đó, giúp Avel cưới 2 cô vợ xinh đẹp của Tà Làng. Avel tự hào: "Người ta không yêu già vì già đẹp mà yêu vì tiếng hát, tiếng khèn của già”.

Già làng Ating Pâng và chiếc đàn 2 dây
Già làng Ating Pâng và chiếc đàn 2 dây.

Ngày nắng cũng như mưa, trên cổ đeo chiếc vòng trừ tà, có tới 13 chiếc móng vuốt lợn rừng và 1 chiếc móng gấu. 13 móng vuốt là chiếc tích trong hàng trăm lần quật ngã thú dữ trong tháng ngày dữ dội của chàng trai Avel. Thuở đôi mươi, chưa bao giờ Avel đi săn về tay không. Cô gái Trieng Te xinh đẹp hồi ấy không chỉ chết vì sự can trường mà đồng ý theo làm vợ Avel còn bởi nét tài hoa. Cụ bà Trieng Te giờ đã trên 80, móm mém cười sau làn khói bếp: Mình say tiếng khèn ông ấy. Tiếng khèn của Avel đắm say đến độ khi đã 60 tuổi rồi, già còn khiến cô gái Trieng Láy mê mẩn tâm thần. Avel cười vang: “Tiếng khèn nó dẫn vợ tới cho già”. Vợ cả sinh được 5 con, vợ hai cũng hạ sinh cho AVel đủ 5 người, có trai lẫn gái.

Bản Tà Làng nhà cửa đơn sơ quây quần nhau bên sông hiền hòa, nhà Avel nằm giữa, cao vút như tổ chim. Con cái, họ hàng quây quần xung quanh. Già Ating Pâng mẫu mực hơn già Aeel khi chỉ…một vợ một chồng, dù với tiếng đàn Andhứt, nhiều cô gái Cơtu ở Prao xin “chết”. Bà Ating Noor đã 63 tuổi, vẫn thẹn thùng đỏ mặt kể lại giây phút chàng trai Ating Pâng ngồi bên bờ suối chờ bà đi rẫy về. Trên tay là chiếc đàn 2 dây, từng điệu đàn như những lời mật ngọt thánh thót vào tai Ating Noor. Ating Pâng hiền từ nhìn vợ và đứa cháu nội 3 tuổi Ating Nipol, cất lên giai điệu thuở nào. Cái ca từ kết tinh cho tình yêu của già Pâng, để giờ đây họ có chung 7 người con.

Nỗi lo thất truyền

Già Ating Pâng buồn buồn: Thật tệ là trong 7 người con, chẳng đứa nào tha thiết với đàn sáo, nhạc cụ truyền thống.

Già Alăng Avel giữa các loại nhạc cụ
Già Alăng Avel giữa các loại nhạc cụ.

Giờ đây, mỗi ngày Ating Pâng chơi đàn một lần khi, vắng con cháu trong nhà, vợ đi vắng, già Pâng tự đàn, tự hát cho mình nghe.

Như một sự sắp đặt nghiệt ngã kỳ lạ, cả 10 con của già Alăng Avel cũng chẳng ai biết chơi bất kỳ loại nhạc cụ truyền thống nào. Già Avel thui thủi một mình, ngày ngày lặng lẽ lau chùi, ngắm nghía bộ nhạc cụ. Già không giấu được sự thất vọng: Gần 90 tuổi rồi, biết đi lúc nào, già mà đi thì cả tộc Cơtu này khó ai giữ gìn, phát huy được mấy chục món nhạc ở đây".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG