Ông Hà Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết hàng loạt các công việc của huyện nhiều năm qua phải nằm chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Rất nhiều dự án buộc phải xin ý kiến thành phố thỏa thuận quy hoạch.
“Thỏa thuận quy hoạch luôn ám ảnh các chủ đầu tư. Vấn đề đặt ra là làm sao phải cắt giảm tình trạng đi thỏa thuận quy hoạch”, ông Quang nói. Tại huyện Mê Linh, do chậm lập quy hoạch nên việc cấp phép xây dựng cho nhiều hộ dân cũng gặp nhiều vướng mắc. Xin phép xây dựng khó khăn, nhiều hộ dân không chờ mà “phá rào” tự xây dựng nên dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch.
Ông Quang cho hay khoảng 30 dự án đô thị, bất động sản cũng bị chậm tiến độ kéo dài vì phải chờ quy hoạch. Trước đây quy hoạch nông thôn mới đã được duyệt nhưng nay sẽ phải điều chỉnh lại theo quy hoạch phân khu mới dẫn tới phải tiêu tốn không ít ngân sách cho việc điều chỉnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Nuôi nêu con số đáng lo ngại: Chỉ tính riêng một số dự án đất dịch vụ, tiền đầu tư hạ tầng đã lên tới 320 tỷ đồng. Nay vì quy hoạch phân khu phải điều chỉnh lại, cắt xén thì sẽ rất tốn kém. Huyện Hoài Đức có khoảng 21 dự án bị ảnh hưởng do chậm quy hoạch phân khu.
Ông Bùi Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội khẳng định, quy định về phân cấp trong việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đang được hoàn thiện và sẽ trình thành phố phê duyệt ngay trong tháng 7/2014.
Theo đó, UBND các quận, huyện có thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch khu chức năng đô thị có quy mô nhỏ. Nhân sự, tổ chức của UBND các quận, huyện cũng sẽ được tăng cường để thực hiện công việc mới này.
Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Thế Hùng lưu ý, quy hoạch phân khu đang triển khai nhưng cũng không hẳn vì thế mà đình trệ các dự án phát triển.
Trên cơ sở các quy hoạch hiện có, các quận, huyện, sở ngành cần rất chủ động trong việc hướng dẫn thông tin để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai dự án ở các mức độ khác nhau phù hợp với quy định, từng bước tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư.