Mỗi hộ mất cả chục triệu đồng kè sóng
Ông Trịnh Quốc Khương, đại diện cho người dân tại tổ 11, ấp 3, xã Lạc An, có đơn phản ánh, từ đầu năm 2016, hộ ông Vũ ở cùng tổ dân phố xây nhà đè lên cống ngang thoát nước của khu vực, khiến 100m tỉnh lộ DT 746 bị ngập úng liên miên khi mưa.
Theo ông Khương, vị trí xây dựng công trình nhà ông Vũ chỉ cách trụ sở UBND xã Lạc An chưa đầy 1km và từ khi công trình được xây dựng, trời mưa nhỏ cũng khiến cả tuyến đường ngập úng nhiều ngày, nước tràn vào nhà dân gây hư hỏng đồ đạc, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. Nước thải sinh hoạt ở đây không có chỗ tiêu thoát, chảy lênh láng trên mặt đường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, tình trạng ngập lụt còn khiến tỉnh lộ ĐT 746 bị hư hỏng thê thảm với những ổ gà, ổ trâu xuất hiện ngày càng nhiều.
“Người già, trẻ em không thể đi lại khi trời mưa, hàng chục vụ tai nạn đã xảy ra, còn nhà thờ Ngọc Đồng ở đây buộc phải đóng cửa, vì nước ngập sâu, giáo dân không thể đi lễ”, ông Khương nói . Ông Nguyễn Xen, cùng ở tổ dân phố 11 cho biết thêm, để đối phó nạn ngập úng, mỗi hộ dân trong khu phố đã phải bỏ ra cả chục triệu đồng để xây dựng “kè chắn sóng” ngay trước cửa nhà để ngăn nước.
Trong khi đó, công trình xây dựng của nhà ông Vũ, nguyên nhân “tạo sông và sóng” vẫn được gấp rút xây và hoàn thành trước sự bức xúc của nhân dân. “Sau đợt ngập lụt đầu tháng 6 vừa qua, người dân đã kiến nghị đến UBND xã”, bà Phạm Thị Xuân Hường (người dân tổ 11) nói thêm. Lãnh đạo xã có mời dân họp để bàn phương án giải quyết, nhưng không thống nhất trong việc chỉ ra nguyên nhân, đề xuất giải quyết của xã cũng thiếu thuyết phục.
Chỉ mưa mới ngập!
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Lạc An lý giải, khi Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường DT 746 có thiết kế tại vị trí nhà ông Vũ một tuyến cống ngang. Sau đó, khi nâng cấp tuyến đường, tiếp tục thiết kế 2 tuyến mương dọc đường. Tuy nhiên, do tuyến mương hai bên đường không được nạo vét thường xuyên, mật độ xây dựng dày đặc nên mới xảy ra tình trạng ngập úng khi trời mưa.
Ông Trung cho biết, ông cũng thường xuyên di chuyển trên tuyến đường này và cũng đã phải “bì bõm lội trên phố” ngập ống bô xe máy, thế nhưng ông Trung lại nói: “Lúc nào mưa thì mới ngập thôi!” và “không ngập nhà này thì ngập nhà kia”.
Ông Trung cũng cho biết, đã báo cáo và đề nghị UBND huyện Bắc Tân Uyên và các cơ quan cấp trên kiểm tra, có phương án xử lý trong tháng 8/2016. Tuy nhiên, UBND xã Lạc An lại có phương án giải quyết theo hướng đẩy phần khó cho dân khi “sáng kiến” bắt dân đóng góp kinh phí xây cống thoát nước ở vị trí mới, thay vì phải khôi phục cống thoát nước đã có.
Hơn thế, phương án xây dựng cống thoát nước mới được đưa ra khá vô lý, vì cống sẽ không dẫn thẳng ra sông Đồng Nai mà chạy ngang qua khu vườn bảo tồn dược liệu của dân. Động thái này càng khiến người dân phải tiếp tục “lội sông trên phố”. Trong dịp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương tiếp xúc cử tri tại địa phương, cử tri đã đề nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến về vấn đề này, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án khả thi nào được đưa ra.