Dòng sông thơ mộng giờ đen thối
15 năm trước, sông Đáy chảy qua địa phận các xã này bắt đầu có hiện tượng ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Gần đây, nước sông ngày càng bốc mùi hôi thối suốt cả ngày lẫn đêm khiến người dân bức xúc. “Xã Vân Côn có lẽ bị ảnh hưởng nặng nhất, dù đóng kín cửa nhưng mùi hôi thối vẫn xộc vào trong nhà”, anh Vũ Đắc Tắc, một người dân sống ven sông Đáy nói.
Theo người dân địa phương, từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch năm sau, sông Đáy ô nhiễm nặng nhất. do các làng nghề làm bột sắn, miến dong ở thượng nguồn sản xuất phục vụ Tết nên lượng nước thải lớn đổ ra sông Đáy. Thời gian này ít mưa, không có nước điều hòa khiến nước sông Đáy càng bốc mùi khó chịu.
Phóng viên đi dọc sông Đáy qua nhiều xã của huyện Hoài Đức và Quốc Oai nhận thấy, nước sông có màu đen kịt. Đứng cách sông vài trăm mét đã bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Có chỗ, cá chết nổi trắng trên mặt sông. Ven bờ sông, cây cỏ héo úa.
Không chỉ riêng người dân xã Vân Côn, người dân ở các xã Cộng Hòa, Tân Hòa, Đại Thành (Quốc Oai) cũng bức xúc vì phải chịu chung cảnh khốn khổ vì sông Đáy ô nhiễm.
Theo người dân các xã trên, việc sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, bởi lẽ người dân phải lấy nước sông Đáy để tưới cho cây trồng. Có những thửa ruộng, khi đưa nước sông Đáy vào, một thời gian sau, cây trồng có hiện tượng héo úa, không thể sống được.
Kiến nghị nhiều không thấu?
Ông Hoàng Duy Luận, trưởng thôn An Ninh, xã Tân Hòa cho hay, thôn này nằm sát sông Đáy nên bị ảnh hưởng nặng nhất xã. Suốt chục năm qua, hơn 700 nhân khẩu trong thôn sống trong sự bức bối, khó chịu vì nước sông Đáy bốc mùi hôi thối suốt ngày đêm. Ông Luận cho biết thêm, nhiều năm qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri cấp xã và huyện, ông liên tục phản ánh đến cơ quan chức năng về nỗi khổ của người dân trong thôn phải sống chung với nước sông Đáy ô nhiễm, nhưng đến nay, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Ông Nguyễn Đình Trường, Phó chủ tịch UBND xã Vân Côn tính toán, người dân trong xã sống ven sông Đáy dài khoảng 8 km. Nhiều năm qua, hơn 10.000 người (trong tổng số khoảng 15.000 dân cả xã) chịu tác động ô nhiễm nước sông Đáy. Đồng thời, khoảng 140 ha rau xanh và 120 ha đất trồng lúa phải sử dụng nước sông Đáy để phục vụ sản xuất. “Hằng ngày, nước sông Đáy bốc mùi hôi thối chẳng khác nào “tra tấn” người dân về mặt sức khỏe. Chính quyền xã không đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề trên nên UBND xã Vân Côn nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng các cấp xử lý nước sông Đáy ô nhiễm”, ông Trường cho biết.
Ông Vương Đắc Lập, Phó chủ tịch UBND xã Cộng Hòa xác nhận tình trạng nước nước sông Đáy có màu đen và mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 8.000 dân xã. Tình trạng trên diễn ra nhiều năm qua, nhưng vượt ra ngoài khả năng giải quyết của chính quyền xã này. “Việc xử lý nước sông Đáy đòi hỏi công nghệ và nguồn đầu tư lớn nên địa phương không thể làm được”, ông Lập nói.
Theo báo cáo của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, trong năm 2019, các địa phương thuộc lưu vực đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tổng số 889 cơ sở, đơn vị và xử phạt 183 cơ sở vi phạm môi trường. Tại thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2019, qua thanh tra, kiểm tra 775 cơ sở, đã xử lý vi phạm hành chính 165 cơ sở, đơn vị với tổng số tiền xử phạt gần 4,3 tỷ đồng. Kết quả từ 4 đợt quan trắc năm 2019 cho thấy, tình trạng ô nhiễm nước thể hiện rõ nhất trên dòng chính sông Nhuệ và thượng nguồn sông Đáy đoạn qua Hà Nội. Nguyên nhân là do chịu ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất và dân sinh trên địa bàn.